Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 26/11/2018 00:21 AM 
Chùa Bằng khai mạc Pháp hội Dược Sư 7 ngày lần thứ XIII
Ngày 25 tháng 11 năm 2018, nhằm ngày 19 tháng 10 năm Mậu Tuất, tại chùa Bằng (Linh Tiên tự) đã trang nghiêm khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày (lần thứ XIII PL2562 – DL2018). Đồng thời, hôm nay cũng là ngày tu an lạc tháng mười năm Mậu Tuất theo lịch tu học hàng tháng của đạo tràng Pháp Hoa.
Trước khi bắt đầu chương trình khai mạc Pháp hội, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và thực hiện nghi thức sái tịnh đàn để khai mạc Pháp hội Dược Sư PL2562 - DL2018.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó là thời khai kinh Dược Sư được đặt dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa trong địa bàn thành phố Hà Nội.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau khi kết thúc thời tụng kinh Dược Sư trong niềm hoan hỷ, đại chúng đã trang nghiêm thiền hành vòng quanh chùa, trở về trai đường để thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đầu giờ chiều, toàn thể đại chúng đồng niệm danh hiệu “Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật”, chắp tay búp sen trang nghiêm cung đón Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa và thuyết giảng cho đại chúng về “Tám phúc điền người Phật tử nên làm”.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ về tầm quan trọng của bản Kinh Dược Sư cũng như ý nghĩa của việc lập nên Pháp hội Dược Sư: “Kinh Dược Sư là một bản kinh được đưa vào thời khóa tụng hàng ngày. Kinh Phật Thuyết A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Vô Lượng Thọ và phẩm Phổ Môn (phẩm thứ 25 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa) được các Tổ đình, tự viện Việt Nam nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng trì tụng hàng ngày. Từ đó chúng ta thấy rằng tầm quan trọng về sự và lý của các bản kinh này. Ta lập Pháp hội Dược Sư như tôi đã giải thích với quý vị các năm trước. Nếu như trên phương diện hiện tượng, đàn tràng trước mặt các vị được gọi là đàn Dược Sư bởi vì nương vào Kinh Dược Sư Bản Nguyện Công Đức nói về 7 vị Phật Dược Sư ở phương Đông cho nên có 7 bàn thờ và 7 pho tượng của Phật Dược Sư. Thông thường các tự viện đều chỉ có trì tụng, nghi thức là cầu nguyện thông thường là vào đầu năm với tinh thần cầu quốc thái dân an, chúc phúc lành. Nhưng đối với chùa ta, thứ nhất là tụng vào tháng 10, thứ hai là Pháp hội. Tại sao lại tháng 10? Trong lịch tu hàng năm của chúng ta đều có lịch riêng từng tháng. Các ngày lễ của chư Phật, Bồ Tát, chư vị Tổ sư không trùng vào tháng 10, đồng thời cũng để muốn liên hoàn từ tháng 10 tới tháng 11, tháng 12 đối với sự kiện của đạo tràng Pháp Hoa. Cho nên chúng tôi muốn đặt Pháp hội Dược Sư vào tháng 10 là lễ Phật Dược Sư, rồi tháng 11 lễ khánh đản Đức Phật A Di Đà, và tháng 12 mừng ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác theo Bắc truyền. Theo kinh Bắc truyền, Đức Phật Thích Ca trong 80 năm trụ thế kỉ niệm 4 sự kiện đó là đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Do đó lễ 8/12 âm là kỷ niệm ngày Phật thành đạo theo kinh điển Bắc truyền, nhưng cũng đồng thời là ngày kỷ niệm Hòa thượng tôn sư thượng Trí hạ Quảng thành lập Đạo tràng Pháp Hoa. Vì vậy chúng tôi để 3 tháng cuối năm với ý nghĩa để kỷ niệm 3 sự kiện của 3 Đức Phật trong mười phương chư Phật đó là Đức Phật Dược Sư tháng 10, Đức Phật A Di Đà tháng 11 và Đức Phật Thích Ca tháng 12. Nhưng tại sao lại để chữ Pháp hội? Bởi trong phần “hội” có phần “pháp”. Trong đàn tràng có giảng pháp. Khi tụng kinh, chư Tổ đã dạy “tụng kinh giả, minh Phật tri lý”. Tức là tụng kinh không phải chỉ để cầu nguyện, mà tụng kinh phải hiểu được lời lẽ Phật dạy trong kinh như thế nào, và đem lời lẽ đó để thực hành trong cuộc sống thì mới ý nghĩa. Như mấy năm qua, đặc biệt là năm 2016, chúng tôi đã mời Thượng tọa Thích Tiến Đạt thuyết giảng 7 ngày trong Pháp hội trọn vẹn bản kinh Dược Sư từ đầu đề kinh cho tới hết bản kinh. Như vậy, đối với bản kinh đã được giảng kĩ lưỡng. Tới năm 2017, chúng tôi đã lược giảng lại một lần nữa cho các Phật tử nghe. Chính vì thế, cũng như các năm về trước đều mời các vị Hòa thượng, Thượng tọa giảng sư giảng về ý nghĩa của kinh, công đức của Phật Dược Sư và cách hành trì theo kinh Dược Sư. Chính từ ý nghĩa đó gọi là Pháp hội. Năm nay 2018, cũng không ngoài ý nghĩa đó, trong 7 ngày chúng tôi cũng sẽ giảng trích lược các lời kinh quan trọng áp dụng trong thực tế để quý vị về tu tập, lễ tụng, nhưng cũng là để hiểu lời Phật dạy”.

 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Hòa thượng đã giảng giải cho hàng Phật tử hiểu một cách rõ nét và sâu sắc hơn về tám phúc điền. Qua từng câu chuyện được ghi lại trong kinh điển Phật giáo nói về nguồn gốc của 8 việc phúc, Hòa thượng chia sẻ “Phúc điền tức là ruộng phúc, vô lượng chúng sinh đều là phúc điền. Mỗi vị tu sĩ đều có 3 tấm cà sa tượng trưng cho phúc điền để Phật tử gieo trồng ruộng phúc. Sau này, các bậc Tổ sư mới đưa quan niệm càng tu thì công đức, năng lượng của vị tu sĩ đó càng lớn. Các vị mới thọ Tỳ Kheo mang áo Tăng già lê có 9 điều. Nhưng càng về sau các bậc Hòa thượng, thượng tọa mang tấm y nhiều điều hơn, cho đến đại y là 25 điều thành 100 miếng gọi là bách phúc. Từ ruộng phúc đó, trong kinh điển có ghi lại trong 8 việc phúc: cúng Phật, cúng bậc thánh nhân, cúng dàng chư Tăng, cúng dàng bậc Hòa thượng, cúng dàng bậc thầy xà lê, cúng cha, cúng mẹ, chăm sóc người bệnh, Đức Phật dạy công đức chăm sóc người bệnh là phúc lớn thứ nhất. Cũng vì quan niệm này mà các bậc Tổ sư, tiền bối trước đây đều lấy sở trường của mình bằng hán tự, bằng sự tu tập mà chùa trở thành những nơi chữa bệnh và những vị tu sĩ là những người thầy thuốc. Khi thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã nói với chư Tăng về công đức chăm sóc người bệnh phải có 5 điều. Chính từ quan niệm chăm nom, săn sóc người bệnh như vậy cho nên sau này khi ngành y được phát triển, về đến Việt Nam chúng ta cũng tôn trọng ngành y như vậy. Tổ tiên ta có 3 người được gọi là Thầy đó là thầy chùa (tu sĩ), thầy giáo (người dạy học), thầy thuốc (người chữa bệnh). Nhưng vị thầy chùa phải kiêm cả 2 công việc vừa là người dạy giáo lý cho nhân dân Phật tử, vừa là người dùng kinh điển, những kiến thức có được và cả những lời Đức Phật dạy để chữa bệnh thân và bệnh tâm cho chúng sinh. Nhà chùa vừa là trường học, vừa là bệnh viện. Đấy chính là thể hiện lòng từ bi của đạo Phật, bởi từ bi của Đức Phật chính là bảo hộ mạng sống của người – vật – thiên nhiên".
Trong kinh Dược Sư, khi Đức Phật Dược Sư còn tu nhân hạnh Bồ Tát, Ngài đã phát nguyện thứ mười một và nguyện thứ mười hai đó là khi chúng sinh cần là cho chúng sinh ăn no và ngon, mặc ấm và đẹp. Tức là phải nhường phần ngon, phần tốt cho người, đó mới chính từ tư tưởng của Đức Phật Dược Sư khi Ngài còn tu nhân hạnh Bồ Tát. 
Qua đó, Hòa thượng giảng giải “Trong 8 phúc điền ở nhân gian, Phật tử cần phải làm có phúc điền thứ nhất là đào giếng cho người có nước uống, đây là việc quan trọng. Các vị Phật tử đang hiện diện nơi đây đa số đều tu về bổn môn Pháp Hoa, trong kinh Pháp Hoa cũng nói 8 ví dụ trong đó có việc đào giếng, cung cấp nước cho người ăn. Phúc thứ hai là làm quán làm cầu. Các cụ ngày xưa đã dạy “làm quán bắc cầu là có phúc”. Trong Phật giáo hiện nay, có Hòa thượng Thích Như Niệm – Viện chủ chùa Pháp Hoa (Thành phố Hồ Chí Minh) là người xây cầu nhiều nhất. Cuộc đời của Ngài cho đến nay đã làm được mấy trăm cây cầu, cứ có tiền thì Ngài đi về quê xây cầu, từ những nơi vùng sâu vùng xa còn nghèo khó hay ở nơi các em nhỏ còn phải đi qua những chiếc cầu dây thô sơ tới trường. Cứ mỗi cây cầu khi làm xong Ngài lại giao cho địa phương. Phúc thứ ba là san lấp mở đường. Hiện nay cũng có nhiều vị tu sĩ mở đường cho dân đi, khai thông đường lối. Ta đi con đường êm phẳng, không bị gập ghềnh tai nạn chính là do công lao lớn của người làm đường. Phúc thứ tư là phúc hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính tổ tiên, nhớ ơn các bậc tiền nhân. Ông bà tổ tiên ta đã nói trong trăm điều phúc, không phúc gì bằng hiếu kính cha mẹ và cũng ngược lại, trong trăm điều tội, không tội gì nặng bằng tội bất hiếu với cha mẹ. Đức Phật đề cao công ơn to lớn của cha mẹ. Cha mẹ trong nhà là Phật ở đời. Đức Phật cũng nhiều kiếp tu hiếu kính cha mẹ mà thành Phật. Tư tưởng biết ơn cha mẹ của Đức Phật khi Phật giáo truyền vào Việt Nam hòa hợp và gặp nhau tại một điểm với tư tưởng đạo đức văn hóa của người Việt là hiếu kính cha mẹ. Cho nên tháng 7 Vu lan là sự tích của Phật giáo, nhưng nhân gian đón nhận như nghi lễ truyền thống của người Việt về tinh thần tri ân cha mẹ ông bà tổ tiên. Phúc điền thứ năm là cung kính Tam Bảo. Một người Phật tử phải có trách nhiệm hai vai, đó là Phật tử kính tín Tam Bảo, tu tập, học hỏi, trì tụng nhưng cũng phải nghĩ và quan tâm tới những người xung quanh của mình. Cung kính cúng dàng Tam Bảo là gieo trồng phúc điền. Chúng ta cúng Phật chính là gieo nhân giác ngộ, gieo nhân từ bi, giải thoát. Chúng ta cúng Pháp là chúng ta đang học tinh thần yêu thương, tính bình đẳng, chân lý giải thoát mà Đức Phật đưa ra. Chúng ta cúng Tăng là chúng ta đang nuôi dưỡng cho sự đoàn kết hòa hợp, chúng ta đang cúng dàng cho vị Phật tương lai. Phúc điền thứ sáu là cung cấp, nuôi dưỡng, săn sóc người bệnh. Trông nom săn sóc người bệnh là quan trọng, Đức Phật là tấm gương cao cả nhất. Phúc điền thứ bảy chính là cứu tế kẻ bần cùng. Người Việt Nam có câu “lá lành đùm lá rách”, vì vậy trong 8 việc phúc người Phật tử phải làm thì việc thứ bảy chính là phải thương và giúp đỡ người nghèo cùng khốn khổ. Đức Phật và Bồ Tát đều giống nhau đó là bố thí cho những người đang mong cầu. Đây cũng chính là đức hạnh mà chúng ta đang học theo Phật Dược Sư. Phúc thứ tám chính là thương xót cô hồn chúng sinh hay còn gọi là “thí vô giá hội”. Theo quan niệm của Phật giáo, những chúng sinh chưa được giải thoát gọi là ngã quỷ, chúng sinh, cô hồn. Mình cúng kính tổ tiên thì cũng phải thương lấy những chúng sinh như vậy".
Cuối cùng, trước khi kết thúc thời pháp thoại, hòa thượng khuyến tấn hàng Phật tử “khi chúng ta tụng kinh, trì niệm hay mở Pháp hội, thì ta nên làm 8 việc phúc này để tạo dựng phúc điền cho chính chúng ta. Từ đó ta mới thấy có ích, mang lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân”.

 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì, đại chúng tiếp tục trì tụng kinh Dược Sư trong niềm chí thành chí kính của người con Phật, cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, gia đình hạnh phúc yên vui.
Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư hai thời vào buổi sáng, một thời vào buổi tối và trưa cúng ngọ. Còn các buổi chiều từ ngày 19 đến ngày 25/10 Mậu Tuất, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm sẽ quang lâm và thuyết giảng cho đại chúng nội dung, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tu tập theo kinh Dược Sư.

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC