Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 26/07/2018 11:40 AM 
HT Thích Bảo Nghiêm hoằng pháp tại London - Anh Quốc
Nhận lời mời của thượng tọa Thích Lệ Nguyên – Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Anh Quốc, ngày 22 tháng 07 năm 2018, nhằm ngày 10 tháng 06 năm Mậu Tuất, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW đã đến Anh để thăm hỏi và thuyết giảng cho cộng đồng người Việt Nam trong khóa tu học Phật pháp kì 20 tại đây.
Ý thức được giá trị và lợi ích của việc tu học thực hành Phật pháp, Hội Phật giáo Việt Nam tại Vương quốc Anh đã tổ chức những khóa tu học Phật pháp nhằm tạo điều kiện cho quý Phật tử có cơ duyên được sống trong những giây phút chính niệm qua những lời giảng dạy của chư tôn đức giảng sư.  
Sau nghi thức dâng hoa cúng dàng Tam Bảo của các em Phật tử Oanh Vũ (Anh Quốc), ban tổ chức đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ban pháp thoại tới đại chúng với chủ đề “Tứ bất hoại tín”.  
Đầu tiên, Hòa thượng đã bày tỏ niềm hoan hỷ vô cùng khi được gặp những người Việt Nam đang làm ăn học tập và sinh sống tại Anh quốc. Hòa thượng coi đây là một duyên lớn trong ngày hội tụ này, trên tinh thần tất cả mọi người là bồ đề quyến thuộc của nhau. Sau đó, Hòa thượng chia sẻ “đối với mỗi người sống trên đời, niềm tin luôn là thứ quan trọng nhất. Đối với dân tộc Việt Nam ta, niềm tin sâu sắc nhất chính là quá khứ hào hùng của đất nước, cá nhân ta lại có niềm tin vào tổ tiên ta hàng nghìn năm nay đã kính tín Tam Bảo, lấy Phật – Pháp – Tăng làm chỗ dựa muôn đời cho con cháu trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên dưới hai nghìn năm. Chúng ta ngày nay phải thấy vui mừng bởi ta đang kế tiếp được truyền thống đó của Tổ tiên. Mặc dù cuộc sống mỗi người có thể khác nhau, nhưng cội nguồn tâm linh chính là ngôi nhà chung, và tất cả mọi người đều có duyên lành là đều trở về ngôi nhà tâm linh phụng thờ ông bà Tổ Tiên, kính quý hiếu thuận cha mẹ và đặc biệt là kính tin Tam Bảo. Đó là điều rất quan trọng, chính vì lòng tin Tam Bảo như vậy mà hôm nay tuy là ngày nghỉ nhưng quý vị lại trở về ngôi nhà Phật pháp đây để cùng nhau tu học, nghiên cứu những lời dạy của Đức Phật và áp dụng vào cuộc sống”. 
Qua đó, Hòa thượng đã chia sẻ về 4 niềm tin chân chính không bao giờ phai hoại, đó chính là tin Phật – tin Pháp – tin Tăng và tin Tịnh giới, để từ đó hàng Phật tử củng cố hơn nữa niềm tin trong mỗi con người. Trong kinh điển hán tạng ghi là Tùy tín hành và Tùy pháp hành.  
Tùy tín hành là đến và thực hành bằng niềm tin, chỉ có niềm tin mới đưa đến sự nhìn nhận chân chính. 
Tùy pháp hành là đến và thực hành Phật pháp sau khi đã có học hỏi và chiêm nghiệm của bản thân. Đến với đạo Phật bằng con đường tri thức hay con đường Tùy pháp hành không phải là điều phổ biến đối với mọi người. Vì mọi người không phải ai cũng có đủ khả năng để loại suy trước khi tin, mà phần nhiều tin trước khi loại suy. Do vậy, mọi người phần nhiều đến với đạo Phật bằng niềm tin hay bằng Tùy tín hành. Vì tín là yếu tố quyết định cho mọi hành động hướng về. Đối với người học Đạo, hành Đạo, niềm tin không thể thiếu. Nếu thiếu, thì không thể thực hiện được lý tưởng của mình. Nhưng có niềm tin mà niềm tin ấy không đặt trên một nền tảng vững chắc, không có một định hướng thì chắc chắn niềm tin ấy sẽ đưa người học Đạo, hành Đạo đến những kết quả sai lầm vô ích và sụp đổ. Đặt niềm tin đúng vào điểm tựa vững chắc, chính là vấn đề thiết yếu cho người học Đạo và hành Đạo lúc này, lúc mà lịch sử nhân loại không trong sáng về tư tưởng, về tôn giáo, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế,… lúc mà lương tri và lương tâm của con người bị khuấy nhiễm bởi những thế lực vô minh, bởi những hành động sát hại, hơn thua, thắng bại.  
Xác định niềm tin và hướng đi của người học Đạo và hành Đạo trong lúc này, chính là vai trò của “Tứ Bất Hoại Tín” (Abhedyaprasāda), nghĩa là bốn niềm tin không bị hủy hoại, không bị lay bởi những không điểm và thời tính. Bốn niềm tin này, A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc luận gọi là “Tứ chứng tịnh” (Avetyaprasāda), tức là niềm tin trong sáng và thuần tịnh đối với Phật (Buddha), đối với Pháp (Dharma), đối với Tăng (Saṅgha), đối với Thánh giới (‟Sīla). Bốn niềm tin phát khởi bằng con đường tự nguyện, chứ không bằng con đường quyền uy áp đảo. Tự nguyện đến với đạo Phật, tự nguyện thực hành đạo Phật, để rồi tự thân chứng nghiệm đạo Phật. Sự chứng nghiệm càng sâu thẳm bao nhiêu, thì niềm tin lại càng trong sáng và thuần tịnh bấy nhiêu. Khi nào người học Đạo và hành Đạo có được niềm tin trong sáng và thuần tịnh, thì khi ấy, người đó có được niềm tin vững chắc, ý chí quyết định, hướng đi chân xác và có điểm nương tựa an toàn để đi đến Giác ngộ, thành tựu Niết bàn. Trừ khi những ai không muốn đi đến Giác ngộ và Niết bàn, thì họ có thể tin tưởng và nương tựa bất cứ nơi nào khác. Còn những ai muốn thành tựu Giác ngộ và Niết bàn, thì ngoài bốn niềm tin này ra, không còn có niềm tin và sự nương tựa nơi nào khác hơn nữa cả. Trong sự nghiệp mong cầu Tuệ giác, thành tựu Niết bàn, bốn niềm tin này đưa người học đạo và hành đạo vượt qua những trở ngại của đời sống nội tâm và ngoại cảnh một cách dễ dàng, để thành tựu những gì cần thành tựu, chứng đắc những gì cần chứng đắc.  
Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh “ông cha ta đã dạy “con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh”, chúng ta là người đệ tử Phật, là con của Đức Phật, cha đã xả bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để trở thành một Bậc Đại Giác Ngộ, thì chúng ta cũng phải nguyện xả bỏ đi những tư hữu cá nhân, bỏ đi những điều xấu ác, chỉ làm các điều thiện lành, giữ thân tâm trong sạch, thanh tịnh như vị Cha lành của chúng ta – Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta đang tin Phật là ngôi thứ nhất đứng đầu trong Tam Bảo. Đức Phật là Bậc giác ngộ, Ngài đã tiếp nối truyền thống của Chư Phật, và Ngài cũng tiếp nối ngọn đèn cho Đức Phật tương lai. Từ đây, chúng ta hãy theo gương hạnh của Đức Phật, chúng ta đón nhận sự tiếp nối của niềm kính tin Tam Bảo từ Tổ tiên ta trong quá khứ, thì ta cũng thắp lên ngọn đèn để con cháu ta mai sau tiếp nối tinh thần tin Phật – học Phật và thực hành theo Phật để sống cuộc đời an vui và hạnh phúc”. 
Hòa thượng mong đại chúng hãy giữ vững niềm tin đối với Phật, bởi chỉ có Đức Phật là thầy của chúng ta, là người đưa đường chỉ lối cho ta đến với sự giác ngộ, giải thoát. Trong suốt 45 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn, từ khi thành đạo cho tới giờ nhập Đại Bát Niết Bàn, cũng vì căn cơ của chúng sinh, mà Ngài luôn hướng chúng ta làm tất cả điều lành, tránh tất cả điều ác, tùy từng căn cơ mà Ngài thuyết pháp từ nông tới sâu, từ gần tới xa. 
Hơn nữa, ta phải có niềm tin vào giáo pháp của Đức Phật, bởi giáo pháp của Ngài gồm có Kinh – Luật – Luận được gọi là Tam Tạng Thánh Giáo. Những lời Đức Phật dạy chính là con đường đưa đến sự thánh thiện, đấy chính là Pháp bảo. Chúng ta tin về Pháp, như Ngài A Nan đã nói “mặt trăng có thể nóng lên, mặt trời có thể lạnh đi nhưng lời nói Như Lai không bao giờ sai”. Không có con đường nào hạnh phúc, an lạc và giải thoát bằng giáo pháp của Đức Phật, như câu “Con quy y Pháp, con đường của hiểu biết và tình thương”. Đức Phật không dạy sự viển vông, mà luôn hướng vào cuộc sống hiện tại, đưa giáo pháp của Phật vào trong cuộc sống. Giáo Pháp Phật là ngọn hải đăng đưa ta đi qua khỏi đêm trường tối tăm, giáo Pháp Phật chính là vì sao Bắc Đẩu soi sáng cho ta qua bến mê lên bờ giác ngộ giải thoát. 
 Điều thứ 3 hòa thượng muốn nhấn mạnh tới đại chúng đó chính là niềm tin vào ngôi Tăng Bảo. Phật là quá khứ, giáo pháp của Phật để lại mà không có Tăng hoằng truyền thì không thể tiếp nối được. Bốn vị sư trở lên mà sống trong phép lục hòa thì được nằm trong Tăng Bảo. Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng chính pháp của Ngài cho tới hôm nay vẫn còn được hoằng truyền rộng rãi không chỉ ở Ấn Độ mà còn lan tỏa khắp năm châu bốn biển, đó chính là nhờ công đức của Tăng. Do đó, Đức Phật khi còn tại thế cũng đề cao giá trị và tầm quan trọng của Tăng. Ngài Mục Kiền Liên xưa kia tuy được danh hiệu Thần thông đệ nhất trong 10 đại đệ tử của Đức Phật, nhưng cũng không thể cứu vong mẫu ra khỏi địa ngục khổ đau, nhưng nhờ pháp lực của chư Tăng trong ngày tự tứ mà thân mẫu của Ngài được sinh lên cung trời Đao Lợi. Tăng là người theo dấu Đức Phật để truyền trì chính pháp. Tăng có 3 loại Tăng đó chính là giải thoát tăng, thiên thánh tăng và phàm tăng. Các vị tu sĩ chính là hiện thân của Đức Phật, nên phải giữ được giới luật Phật, phải là người đại diện cho Tăng bảo, là người khuôn phép đưa đường chỉ lối cho mọi người bằng con đường chính pháp của Đức Phật. Chư Tổ đã dạy rằng “Phật phi pháp bất hoằng, Pháp phi tăng bất hiển”, Phật mà không có Pháp không hoằng truyền được, Pháp mà không có tăng thì không thể nào truyền trì được, Tăng phải học Phật, phải tu Pháp, Phật và Pháp sẽ soi rọi cho Tăng, bởi vậy cho nên Ba ngôi Phật – Pháp – Tăng như kiềng ba chân. Nếu ta tin, nương tựa, kính tín và học theo ba ngôi Phật – Pháp – Tăng thì sẽ không bao giờ rơi vào ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. 
Trong 4 niềm tin chân chính, Thánh giới là quan trọng nhất. Nếu ta học Phật mà không thọ giới thì không trở thành đệ tử Phật được, bởi giới là thuyền từ đưa ta qua biển khổ sông mê. Thánh giới là sự giải thoát cho chúng ta. Nếu ta thọ trì thánh giới thì lúc nào ở đâu cũng được an lạc, giải thoát. 
 Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “hãy giữ vững 4 niềm tin chân chính, không bao giờ lay chuyển, cố gắng tinh tiến tu học, tin sâu nhân quả, áp dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống để đi đâu cũng được mọi người yêu quý, nói gì cũng được tin tưởng và sống ở nơi nào cũng được an vui hạnh phúc”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC