Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 16/12/2017 03:16 AM 
Pháp hội Dược Sư 7 ngày tại chùa Bằng thành tựu viên mãn
Như tin đã đưa, ngày 5 tháng 12 năm 2017, nhằm ngày 18 tháng 10 năm Đinh Dậu, tại chùa Bằng (Linh Tiên tự) đã trang nghiêm khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày (lần thứ 12 PL2561 – DL2017)
Trong suốt 7 ngày, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa nói riêng và nhân dân tín đồ Phật tử thập phương nói chung đã vân tập về đàn tràng trang nghiêm nơi chùa Bằng, tinh tiến tu tập theo chương trình của Pháp hội với 3 thời khóa tụng kinh hàng ngày do Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự làm chủ lễ, và lắng nghe một thời pháp thoại vào các buổi sáng do Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm, Đại đức Thích Trí Thuần, Đại đức Thích Tâm Thuần giảng dạy. Mọi thời khóa trong Pháp hội đều được diễn ra vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh.
Trong ngày đầu tiên và ngày thứ hai của Pháp hội, đại chúng đã được lắng nghe Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm giới thiệu về hình ảnh của 7 vị Phật Dược Sư và 12 nguyện lớn của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khi còn đương hành đạo Bồ Tát. Ngoài ra, Hòa thượng còn giải thích cho đại chúng hiểu về khái niệm thế nào là “Pháp hội” và thế nào là “đàn tràng”, cũng như thế nào là “lễ” và thế nào là “hội”,  ý nghĩa tu tập cũng như lợi ích về Sự và về Lý trong Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai Bản Nguyện Công Đức để đại chúng có những sự nhìn nhận đúng đắn nhất, cách tu tập tinh tiến nhất theo tinh thần lời Phật dạy. Trong hai ngày này, Hòa thượng nhấn mạnh “các Đức Phật hiện tại, quá khứ, và của cả các Phật hạnh nguyện đến tương lai, ba đời chư Phật, các Đại Bồ Tát đều do phát hạnh nguyện, nương theo hạnh nguyện để thành đạo Vô Thượng chính đẳng chính giác. Người Phật tử chúng ta khi phát nguyện như vậy hay chúng ta đưa ra 1 tiêu chí, 1 phương hướng, 1 mục đích, để từ đó chúng ta đạt tới quả vị giải thoát giác ngộ mà mười phương chư Phật đều do phát nguyện mà thành Phật đạo. Chư Phật tu hạnh Bồ Tát thành Phật tức là có nhân ở Bồ Tát mà kết quả thành Phật. Chúng ta hôm nay cũng vậy, nhân của phàm phu của sinh tử luân hồi mà kết nhân lành tốt để đoạn trừ sinh tử luân hồi, từ thân của phàm phu sinh – già – bệnh – chết mà được thân Phật, thân kim cương bất hoại”.
Sang tới ngày thứ 3 (7/12/2017), Hòa thượng chia sẻ "Bồ Tát Quán Thế Âm cũng có 12 lời nguyện. 12 đại nguyện của đức Dược Sư và 12 lời nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm đều giống nhau ở 1 điểm là nhìn chúng sinh bằng ánh mắt thương yêu mà cứu vớt, đưa chúng sinh thoát mọi sự khổ đau đưa chúng sinh đến bến bờ an lạc.. 12 đại nguyện của Phật Dược Sư sẽ giải quyết được sự khổ đau của chúng sinh khi chúng ta biết thực hành, biết trì tụng theo kinh Phật dạy. Có vị tuy không trì tụng đầy đủ các bản kinh của Phật Dược sư mà chú trọng thực hành những lời nguyện của người như có vị chỉ chuyên đi làm việc từ thiện, có vị chỉ chuyên chữa trị cho người bệnh, không quản tấm thân của mình, không cần đến tiền bạc…". Trong bài giảng này, Hòa thượng đã chia sẻ thêm với đại chúng về hình tượng của các vị Bồ Tát trong Kinh Dược Sư.  Trong bảy hình tượng Phật Dược sư được thờ phụng, có vị Phật chủ là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật ở cõi Tịnh lưu ly phương Đông và 6 vị Phật còn lại là 6 hóa thân của Phật Dược Sư đến từ các thế giới để hóa độ chúng sinh. Phật Dược Sư có 2 vị Bồ tát hầu cận là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Nhật Quang là tượng trưng cho phần Dương, Nguyệt Quang tượng trưng cho phần Âm. Trong vô biên vũ trụ, khi mọi thứ muốn an lành, mạnh khỏe, thời tiết tốt, không tật bệnh thì phải phong điều vũ thuận, thời tiết thuận hòa, phải có ngày có đêm, có nóng có lạnh. Nếu mong muốn mọi thứ thuận hòa thì chúng ta phải cầu nguyện đến Phật Dược sư, cầu nguyện đến ngài để cầu cho Âm Dương được quân bình. Nhật Quang tượng trưng cho nóng, cho ban ngày, cho ánh nắng. Nguyệt Quang tượng trưng cho lạnh giá, cho ban đêm cho những cơn mưa. Vậy nên từ xưa đến nay Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc mỗi khi hạn hán mất mùa, âm dương không hợp, chúng ta lại cầu nguyện đến Đức Dược Sư để cho Âm Dương được điều hòa, từ đất trời, đến con người, mưa hòa gió thuận, con người mạnh khỏe, cây cỏ tốt tươi. Trong phần giữa kinh có nhắc đến 8 vị Bồ Tát là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ bát, Vô Tận Ý Bồ tát, Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ chỉ đường cho những vị cả đời tu hành, nguyện sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà tuy nhiên chưa đạt được mức tự mình có thể siêu sinh thì các vị Bồ tát sẽ đưa đường dẫn lối cho người này về cõi Tịnh độ. Đức Văn Thù Sư Lợi là Trí Tuệ, Đức Quán Thế Âm là Từ Bi, Đức Vô Tận Ý là Đại lực. Vậy người Phật tử tuy căn lành chưa đủ nhưng có được trí tuệ, từ bi, và đại hùng đại lực để chống lại những nghiệp chướng, chống lại ma lực, cám dỗ của cuộc sống thì mới được các vị đại Bồ Tát dẫn lối về cõi lành. Ngoài 8 vị bồ tát, còn có 12 vị thần tướng Dược xoa. Các vị đó cũng là hóa thân của Phật Dược sư, để hộ trì chính pháp, hộ trì cho những người luôn luôn hướng thiện, luôn luôn làm những điều lợi ích. Mỗi vị lại có bảy nghìn quyến thuộc. Như vậy ở đâu, chúng ta cũng sẽ có được sự hộ trì, chúng ta sẽ giữ vững niềm tin rằng khi nào cũng có những vị thiện thần ủng hộ chúng ta và chúng ta yên tâm, hết mình làm những điều chư Phật đã dạy để mang lại lợi ích cho mọi người xung quanh, xây dựng thế giới này thành một Tịnh độ cõi nhân gian.
Hòa thượng khuyến tấn đại chúng nương tựa vào những hạnh nguyện của Phật Dược Sư nói riêng và chư Phật, chư Bồ Tát nói chung để dấn thân phục vụ đời, trước tiên phải giữ cho 3 nghiệp được thanh tịnh sau đó lấy hạnh nguyện phục vụ tha nhân với tinh thần phục vụ người tức phục vụ mình. Như vậy chúng ta mới hoàn thành mục đích của Pháp hội là đưa tinh thần của Pháp hội, tinh thần của kinh Dược Sư vào cuộc sống. 

Ngày 9/12/2017, trong ngày thứ 5 của Pháp hội Dược Sư, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm pháp tòa thuyết giảng cho đại chúng hiểu nghĩa sâu của việc tụng thần chú trong Kinh Dược Sư. Nếu xét về góc cạnh tông phái, Phật giáo Nam truyền có kinh tạng Nikaya không có thần chú, thần chú chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại thừa. Chính vì thế, trong kinh điển Đại thừa mới chia ra làm 2 hệ thống là hiển giáo và mật giáo. Sau này, các bậc tổ sư khai thác ở tư tưởng đại thừa giáo này, lập nên một tông riêng về thần chú, tôn thờ đức Đại Nhật, thờ Kim Cương thừa, thành một tông phái là Mật Tông. Trong Đại thừa chia làm 10 tông phái, trong 10 tông phái đó có mật tông. Hiển giáo tức là giáo pháp được giãi bày cho tất cả mọi người được hiểu như tam tạng Kinh – Luật – Luận. Còn mật giáo là đưa vào phép trì chú. Dưới thời nhà Đường, Ngài Huyền Trang phiên dịch đã đặt ra 5 vấn đề mà không phiên dịch Kinh – Luật – Luận từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa, trong 5 vấn đề đó có một vấn đề là “bí mật bất phiên”. Ngài cho rằng thần chú là lời nói bí mật của chư Phật với chư Phật. Sau này, khi tu Mật tông cũng triển khai tiêu chí “tam mật tương ưng” tức là thân mật, khẩu mật, ý mật; thân trang nghiêm tay kết ấn, miệng đọc thần chú và tâm tưởng vào thần chú. Hòa thượng đã giảng giải từng câu thần chú ở đoạn đầu kinh, giữa kinh và kết thúc kinh. Mỗi câu thần chú đều có những ý nghĩa sâu xa mà hàng Phật tử cần phải ghi nhớ rõ, bởi đó chính là những lời chư Phật chỉ dạy hàng Phật tử. 
Ngày cuối cùng của Pháp hội Dược Sư, trước khi khép lại một Pháp hội trang nghiêm đúng pháp, Hòa thượng trụ trì đã giảng giải cho đại chúng về lợi ích của việc lập đàn tràng Pháp Hội Dược Sư và lợi ích của việc tu tập, trì tụng Kinh Dược Sư. Trong bản kinh Dược Sư, sau khi chỉ dạy các cách tu tập, Phật nhắc đến các lợi ích khi ta thực tập theo đúng những sự chỉ dạy đó. “Tùy theo chỗ nương cầu, hết thảy đều được toại ý. Cầu sống lâu được sống lâu,cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con cái được con cái”. Những điều lợi ích trên không phải ta đi mua bán trao đổi mà được hay không là do chính bản thân mình. Thứ nhất, cầu sống lâu được sống lâu. Sống lâu là một trong những phước báo lớn nhất của con người. Nếu làm y pháp Như Lai thì tất sẽ được sống lâu vô bệnh, điều này không có gì là thần bí mà hết sức khoa học. Theo lời dạy, trang phục trang nghiêm thì mùa nóng, mùa lạnh thân ta ít chịu ảnh hưởng của thời tiết. Ăn uống thanh tịnh thì không cần lo nhiều về an toàn thực phẩm. Ở chỗ cao, sạch thì không khí thoáng mát, tâm hồn thư thái… nên ít nguy cơ bệnh tật, dẫn đến được sống lâu và khỏe mạnh. Tuy nhiên từ sống lâu ở đây có ý nghĩa lớn lao hơn ở chỗ, một người chỉ sống được 50 tuổi nhưng trong 50 năm đó họ làm được nhiều lợi ích lớn lao khiến hằng trăm, hằng nghìn năm sau nhân loại vẫn còn nhớ đến họ. Thì dù có 50 tuổi nhưng họ vẫn được coi là sống lâu hơn những người sống đến trăm tuổi mà không làm được điều gì lợi ích cho đời. Thứ hai cầu giàu có được giàu có. Ai cũng mong muốn vươn lên để làm giàu cho chính bản thân mình, từ đó làm giàu cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước và cho cả mọi người trong thế giới. Sự giàu có đó là sự giàu có chân chính và lương thiện, đến từ bàn tay và khối óc của mình. Chúng ta làm bất cứ điều gì cũng lấy tư tưởng của bồ tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay để áp dụng trong cuộc sống. Nghìn mắt để quan sát thấu đáo mọi việc, nhìn ra cách giải quyết công việc đúng đắn nhất. Nghìn tay để xử lý công việc theo cách đúng đắn đó thì bất kỳ việc gì trong cuộc sống đều giải quyết được. Từ đó tiền bạc của cải theo đến, cuộc sống tự khắc sẽ được ấm no, sung túc. Thứ ba cầu quan chức được quan chức. Quan chức ở đây có nghĩa là người làm việc công, làm việc lợi ích cho cuộc đời. Vậy tất cả mọi người ở đây, ai cũng đang là quan chức vì ai cũng đang bước theo con đường sáng, làm điều tốt đẹp cho đời. Theo hạnh của bồ tát Thường Bất Khinh, đối với hết thảy chúng sinh ta đều coi như bồ tát còn bản thân ta thì là tục tử phàm phu. Với ai ta cũng luôn khiêm cung, cung kính để phục vụ những vị bồ tát. Nếu làm được đúng như thế, cuộc sống sẽ có những sự sắp đặt diệu kỳ để chúng ta được như sở nguyện: “cầu quan chức được quan chức” – một vị quan không phải mang ý nghĩa là quan phụ mẫu, là bề trên của nhân dân mà là một vị quan - một vị “công bộc” của nhân dân, luôn làm những việc lợi ích cho dân cho nước. Thứ tư cầu con cái được con cái. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, khi cầu nguyện Đức Quán Thế Âm bồ tát thì cũng như cầu Đức Phật Dược Sư, chí thiết chí thành, cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái. Theo quan niệm các cụ xưa, có 4 hạng con là con của người, con của ta, con của ma và con của quỷ. Con của ma, của quỷ là đẻ con ra mà không nuôi dạy được, để con cái hư hỏng, phá nát tương lai của chính nó rồi còn gây ra bao nhiêu điều ác hại cho mọi người xung quanh. Con của người là con mình sinh ra tuy nhiên mình không có duyên nuôi dạy mà phải nhờ người khác chăm sóc, dạy dỗ. Chỉ có con của ta, con mình đẻ ra, nuôi dạy đứa bé thành người, có ích cho xã hội. Đây mới đích thị là đứa trẻ mà chư Phật, chư Bồ Tát ban cho chúng ta. Xét cho kỹ, để nuôi dạy đứa bé nên người thì bậc làm cha, làm mẹ cũng phải là người có thiện tâm, biết tu tập phước đức, có niềm tin trong sạch vào Phật pháp, vào sự gia trì của Phật Dược sư… thì mới có thể cảm nhận được sự linh ứng nhiệm màu của chư Phật.
Ngoài 4 sự lợi ích trên, làm đúng theo những gì kinh đã dạy còn có thêm nhiều lợi ích như mùa màng mưa thuận gió hòa, tránh được mọi sự tai nạn, trừ được sự sợ hãi,trừ được sự phạm giới mà không bị đọa lạc, trừ được sự xâm lấn của ngoại bang, không còn những điềm ác, những hình tượng ác… Sau cùng, Hòa thượng nhấn mạnh "Bởi vậy cho nên từ xa xưa các vị vua chúa đã có tục lệ tổ chức Pháp hội Dược Sư để cầu nguyện cho quốc thái dân an, quốc gia giàu mạnh. Nối tiếp tinh thần và truyền thống đó, Chùa Bằng chúng ta hàng năm tổ chức Pháp hội Dược Sư, vừa để đem công đức hành trì kinh Dược sư cầu nguyện cho đất nước hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, cầu nguyện cho các vị lãnh đạo quốc gia cũng như tất cả mọi người dân được bình an, cát khánh. Nhưng song song đó cũng là để chúng ta hiểu được, tu tập theo nghĩa kinh, lễ Phật, nghe pháp để hiểu được những việc mình làm, quên đi tâm tham lam chấp trược. Đó là lợi ích cả về sự, về lý, lợi ích cả mình, cả người, lợi ích cho cả bản thân và tha nhân". 

 
 
 
 

Sáng ngày 8/12/2017 – ngày thứ 4 của Pháp hội Dược Sư, đại chúng tiếp tục được nghe thời pháp thoại của Đại đức Thích Trí Thuần – Ủy viên Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội, giảng sư chùa Bằng với chủ đề “Tinh thần cầu nguyện trong Phật pháp”. Theo Đại đức, cầu nguyện là một nghi thức không thể thiếu trong Phật giáo nói riêng và trong tất cả các tôn giáo trên thế giới, tuy nhiên mỗi tôn giáo, mỗi đạo đều có một cách cầu nguyện riêng. Cầu nguyện cũng là phương thức để người Phật tử chúng ta kết nối tâm của mình với chúng sinh và với mười phương chư Phật. Khi ta cầu nguyện đúng pháp, tâm ta với chúng sinh và với chư Phật là một, đó chính là “cảm ứng”. Tinh thần cầu nguyện của Phật giáo khác với những tinh thần cầu nguyện khác. Theo tinh thần của Phật giáo, tất cả những khổ đau hạnh phúc mà con người phải tiếp xúc và cảm nhận đều do nhân quả nghiệp báo của tự thân tạo nên. Người Phật tử nếu có phát tâm cầu nguyện hay tụng kinh cầu an, cầu siêu thì phải cầu nguyện trên tinh thần nhân quả nghiệp báo. Khi ta cầu nguyện, ta hay sinh ra nghi ngờ, bởi ta nghĩ rằng Đức Phật cũng giống như một vị thần sẽ ban phúc cho chúng ta. Cầu nguyện phải trên tinh thần nhân quả, có trí tuệ và hiểu biết, có niềm tin vào chính pháp của Đức Phật, tu tập chân chính bởi “Đức Phật không phải là một vị thần và không thể ban phúc giáng họa cho ta”. Pháp hội Dược Sư chính là cơ hội để mỗi người tự tu tập tinh tiến, thân khẩu ý thanh tịnh, kết hợp với sự cầu nguyện phù hợp với đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, 3 điều kiện gặp nhau mới phát ra công năng và có hiệu quả. Cầu nguyện phải trên tinh thần tin sâu nhân quả, tin sâu vào Phật Pháp Tăng, nương tựa Tam Bảo trọn vẹn không suy giảm, giữ giới, đem lòng từ bi trải rộng khắp tất cả chúng sinh, không làm tổn hại đến người khác, tâm chúng ta nghĩ như tâm Phật, thân ta làm những việc như Phật làm, lời nói của chúng ta giống như Phật. Tất cả những điều thiện ấy kết hợp với năng lực cầu nguyện trong tâm của mình thì chúng ta sẽ có sự cảm ứng, thay đổi được con người và thay đổi được thế giới chúng ta đang sống. Thông qua bài giảng của Đại đức, hàng Phật tử có thêm niềm tin vững vàng hơn ở ngôi Tam Bảo, không bị mê tín, từ đó tìm được phương pháp tu tập thông qua sự cầu nguyện với mục đích có được những thành tựu trong đời sống và trên con đường Phật pháp. 

 
 
 

Sáng ngày 10/12/2017, Thượng tọa Thích Tâm Thuần – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Phó Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc đã chia sẻ pháp thoại tới đại chúng trong ngày thứ 6 Pháp hội Dược Sư lần thứ XII tại chùa Bằng với chủ đề “Lợi ích tu tập trong Pháp hội Dược Sư”. Thượng tọa chia sẻ “Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng chính là một pháp hội rất quý báu, vô lượng công đức cho nên các Phật tử hiểu kỹ, thực hành trong xuyên suốt 7 ngày thì công đức vô cùng thù thắng. Năng lực tu tập đó đủ để giải tỏa rất lớn những thiên tai dịch họa, động đất sóng thần, những chiến tranh đau thương… Chính những khổ đau đó, nhờ công đức thù thắng của hội chúng tu hành miên mật, tinh tiến của đại chúng mà có thể hóa giải được, dừng được, dứt được, đem lại bình an và hạnh phúc rất lớn”. Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng chính là cơ hội để mỗi Phật tử xây dựng công đức, phúc đức, phát huy trí tuệ, khám phá và chứng ngộ những điều chư Phật chư Tổ đã khám phá, đã chứng ngộ. Trong khi tụng kinh, nếu giữ được 3 nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, chúng ta sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa của kinh. Lễ Phật là bởi ta quý kính đức của Phật, niệm Phật là ta cảm ơn lớn của Phật, tụng kinh chính là để sáng tỏ nghĩa lý mà Phật muốn nói muốn chỉ, tọa thiền chính là ngồi ở cảnh giới vô ngã giải thoát không có chấp niệm của Phật, đạt được đạo giải thoát của Phật chính là giải thoát rốt ráo khỏi tất cả khổ đau. Trong phương tiện, từng bước tu hành của các Phật tử chúng ta thấy Pháp hội Dược Sư có ý nghĩa thiêng liêng là mong mỏi trong suốt 7 ngày tụng niệm, tu hành để ta đầy đủ công đức thù thắng hồi hướng cho mình và pháp giới chúng sinh, cho thế giới hòa bình, thiên tai dịch họa giảm đi, chiến tranh dừng lại để mọi người được bình an và hạnh phúc. Qua đó, Thượng tọa mong rằng trong 7 ngày tu tập tại Pháp hội này, đại chúng hãy tu tập nỗ lực hơn nữa, giữ thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh, không nhiễm ô trong tứ oai nghi, trong các thời khóa, phát huy những giá trị phúc đức và trí tuệ song song, hai yếu tố này giúp ta thành tựu mọi nguyện lành, dâng lên cúng dàng Tam Bảo lòng thành kính biết ơn và đền ơn, lợi mình lợi người – đó chính là bản hoài của người đệ tử Phật, mang lợi lạc cho thế giới, chúng sinh. 

 


 
 
 
 
  
 
 
 

Vậy là Pháp hội Dược Sư lần thứ XII tại chùa Bằng đã thành tựu viên mãn trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể hội chúng. Bởi trong 7 ngày diễn ra Pháp hội đã được diễn ra theo đúng chương trình, đúng pháp. Trong tất cả các buổi sáng đầu giờ, đại chúng đều được lắng lòng nghe Hòa thượng trụ trì cùng các vị chư tôn đức Tăng trong Ban giảng sư chia sẻ pháp thoại về nội dung cốt lõi trong Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai Bản Nguyện Công Đức, cũng như ý nghĩa của việc tu tập, hành trì theo bản kinh. Cũng trong các buổi sáng, buổi chiều, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, đại chúng nhất tâm trang nghiêm thành kính đối trước Phật đài, tụng thời Kinh Dược Sư cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Đặc biệt, buổi tối cùng ngày, nhân dân địa phương bao gồm những bạn học sinh sinh viên và những công nhân viên chức sau ngày dài đi làm, đi học cũng về vân tập tại chùa Bằng, tụng thời kinh Dược Sư cầu an trong không gian vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh.

Mọi sự tổ chức đã đúng như Pháp của Phật đã dạy. Việc tu tập của tất cả chư Tăng và đại chúng sau 12 năm tổ chức Pháp hội cũng đã thấm nhuần được tư tưởng “Mở pháp hội, nghe pháp để hiểu minh chính nghĩa. Lễ Phật để sám hối tà tâm, trừ ác nghiệp. Tu phúc, tu tuệ, phát khởi tâm từ bi, hỷ xả, bình đẳng, lợi ích, không giận dữ, ác hại lẫn nhau” y như trong kinh đã nói.

Trong 7 ngày tu tập này, với những giáo lý nhiệm màu của Đức Thế Tôn hiển bày qua từng câu kinh lời kệ, từng bài chú, từng thời pháp thoại mà quý Thầy truyền trao chính là kim chỉ nam cho mỗi người trên lộ trình giải thoát, giác ngộ. Cũng chính sự tu tập của đại chúng trong 7 ngày diễn ra Pháp hội là oai lực, công năng lớn nhất hồi hướng về khắp pháp giới chúng sinh, cầu nguyện bình an hạnh phúc đến với muôn người muôn loài, vì một thế giới hạnh phúc bình an, không chiến tranh tật bệnh, không binh đao loạn lạc, không thiên tai bão lũ. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC