Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 30/10/2017 23:50 PM 
Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng chín năm Đinh Dậu
Ngày 29 tháng 10 năm 2017, nhằm ngày 10 tháng 9 năm Đinh Dậu, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày hôm nay. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, đại chúng đã lắng lòng thanh tịnh đón nhận thời pháp thoại ý nghĩa với chủ đề "Hạnh nguyện của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm" do Hòa thượng Thích Khế Chơn - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế thuyết giảng. 
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng đã tán thán công đức của Hòa thượng trụ trì bởi "người nhất tâm tin tưởng vào sự gia trì của Bồ Tát Quán Âm, người đã và đang bước đi, thực tập theo những hạnh nguyện quý báu của Bồ Tát. Hòa thượng trụ trì không những tổ chức các khóa tu tại bản tự mà người còn không quản ngại khó khăn gian khổ, đường xá xa xôi, người đi đến khắp các vùng miền trên cả nước, từ những vùng núi phía Bắc đến những khu vực miền Trung, miền Nam xa xôi, nơi nào cũng có dấu chân của người, nơi nào cũng được thấm nhuần từng dòng Pháp nhũ, thấm nhuần tư tưởng Phật pháp qua từng lời giảng của người".
Sau đó, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về hình ảnh quen thuộc của Bồ Tát Quán Âm xuất hiện với bình nước cam lồ trên tay phải và cành dương liễu trên tay trái. Ý nghĩa của hình ảnh ấy là bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, nhờ cành dương liễu rưới khắp làm cho tâm người được mát mẻ. Đó là câu nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm mà chúng ta hằng lạy trong mười hai câu nguyện. Đây là những hình ảnh biểu trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát.Trong bình thanh tịnh chứa nước cam lồ, nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sinh. Nước cam lồ là thứ nước rất trong, mát và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được. Chữ "cam" là ngọt. Chữ "lồ" tức là sương hay móc. Khi người ta bị nóng bức khô khan, nếu được một giọt nước cam lồ thấm vào cổ sẽ nghe ngọt ngào mát rượi. Nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ tát. Khi chúng sinh bị lửa phiền não thiêu đốt, thiết tha cầu cứu nơi Bồ tát, Ngài sẽ mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại cho người sự mát mẻ an lành. Chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới, ngọn lửa phiền não của chúng ta nổi cháy rần rần, nếu không có giọt nước từ bi của Bồ tát, chắc hẳn tất cả chúng ta đều phải chết thiêu trong lò phiền não. Từ bi là lòng thương không vụ lợi, không phân biệt thân sơ, không thấy có quý tiện, lòng thương chân thật bình đẳng. Sự quý báu cao cả của nó, chỉ có nước cam lồ mới đủ tính cách tượng trưng. Nước cam lồ chẳng những cứu người qua cơn khát cháy cổ, mà còn đem lại cho người mùi thơm ngon ngọt dịu. Từ bi chẳng những cứu người trong cơn nguy khốn, mà còn đem lại cho người nguồn an lạc vô biên. 
Cây dương liễu hết sức mềm mại, cành dương liễu uốn mình như những khúc nhạc du dương. Khi gió mạnh đến, cành dương liễu trôi theo chiều gió. Hết cơn gió, cành liễu lại trở về hình dạng ban đầu. Cành dương liễu tượng trưng cho lòng hỷ xả của Đức Quán Thế Âm. Trên bước đường hành đạo, dù gặp những cảnh khó khăn, nghịch cảnh, bị người đời mắng nhiếc thì cũng như hình cảnh của cành dương liễu, với tinh thần nhẫn nhịn để cùng nhau tu tập, nhẫn nhịn để cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn. Bồ tát với tinh thần hỷ xả, người sẵn sàng cứu giúp bất kể chúng sinh nào đang gặp khổ đau mà không hề quản ngại nghịch cảnh. 
Khi Đức Thích Ca Mâu Ni tại thế, khi ngài đi hóa độ chúng sinh, không phải ở đâu người cũng được mọi người tiếp đón, không phải ở đâu ngài cũng được tán dương. Nhưng cũng với lòng từ bi, hỷ xả, người khen ngài cũng không động tâm, người chê, kẻ ghét, ngài cũng không động tâm. Dù là bậc vua chúa hay những người ở tầm lớp hạ tiện ngài vẫn hoan hỷ truyền bá cho giáo pháp vô thượng để đưa họ về với bản thể của ngài.  
Qua câu chuyện xưa quen thuộc về Đức Quan Âm thị kính, Với tình thương vô lượng, chú tiểu Kính Tâm đã bỏ qua mọi lời dị nghị mà cam chịu nuôi nấng, chăm sóc cậu bé, con trai của Thị Mầu. Nhờ tất cả những công hạnh đó, nhờ lòng từ bi, sự nhẫn nhục mà Kính Tâm đã trở thành một vị Bồ Tát của Việt Nam để tất cả mọi người khi xem lại câu chuyện của người đều thấy một bà mẹ vô cùng lớn lao, vô cùng vĩ đại.  
 Những hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm như ánh trăng sáng giữa bầu trời đêm tăm tối. Trên trời chỉ có 1 ánh trăng nhưng dưới mặt đất, bao nhiêu dòng nước là bấy nhiêu ánh trăng được phản chiếu. Bồ tát như ánh trăng còn chúng sinh như dòng nước. Mỗi dòng nước đều có ánh trăng nhưng nước trong thì trăng tỏ, nước đục thì trăng mờ. Tương tự như thế, Bồ tát Quán Thế Âm cũng không phân biệt bất kỳ chúng sinh.  
Nước nào cũng có ánh trăng 
 Nhà nào cũng có Quán Âm hiện về 
Nếu chúng ta còn tâm vô minh, còn sự sân giận thì ánh trăng dịu từ của Bồ Tát cũng không thể chiếu xuống dòng nước đục. Ta cầu nguyện Đức Quán Âm, nếu không tìm được sự linh ứng và nhiệm mầu, ta đừng vội trách ánh trăng Bồ Tát không chiếu xuống dòng nước của ta mà hãy tự hỏi lòng mình đã được thanh tịnh như dòng nước trong hay chưa? Với tấm lòng thanh tịnh và nhất tâm, ánh trăng kia mới có thể sáng tỏ. Sự nhiệm mầu của Bồ Tát mới có thể linh ứng đến lời cầu nguyện chí thành chí thiết của chúng ta. Quán chiếu lại những hạnh nguyện của người, chúng ta mới có được niềm tin để tu học, mới có được niềm tin để thực tập những hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm trong cuộc đời.  
Cuối cùng, trước khi khép lại thời pháp thoại ý nghĩa, Hòa thượng đã khuyến tấn đại chúng "Ngay trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thực tập hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm là hạnh nguyện lắng nghe, chúng ta biết lắng nghe những lời dạy bảo, những lời khuyên răn xuất phát từ trái tim của những người thân thuộc, chúng ta sẽ ngay lập tức cải thiện được cuộc sống và trở thành những người chồng, người vợ, người con tốt trong gia đình, trở thành những công dân tốt của xã hội. Chúng ta sẽ trở thành những vị Bồ Tát Quán Thế Âm đang hiện diện ở cuộc đời. Khi chúng ta có niềm tin hoàn toàn vào Đức Quán Âm, chúng ta sẽ có những sự cảm ứng nhiệm mầu. Chúng ta nguyện đi theo những hạnh nguyện của người, chúng ta cũng xả thân vì những con người đang còn đau khổ trên cuộc đời này. Chúng ta nguyện sẽ cùng nhau xây dựng thế giới đầy rẫy khổ đau này trở thành tịnh độ chốn nhân gian".  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, toàn thể đại chúng cùng tụng thời Kinh Bổn Môn cầu mong quốc thái dân an.

 
 
 
 
 
 
 

Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm trong chính niệm tỉnh thức.

 
 
 
 
 

Đầu giờ chiều, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì, đại chúng cùng tụng thời Kinh Dược Sư khép lại ngày tu bát quan trai tháng chín năm Đinh Dậu tràn đầy niềm hỷ lạc.

 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC