Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 16/04/2017 22:51 PM 
Lễ khởi công động thổ trùng tu Tam Bảo Tổ đình Trung Hậu
Sáng ngày 15 tháng 04 năm 2017, nhằm ngày 19 tháng 03 năm Đinh Dậu, tại Tổ đình Trung Hậu – xã Tiền Phong – huyện Mê Linh – HN, chư tôn đức Tăng Ni sơn môn Trung Hậu cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng ngôi Đại hùng bảo điện chùa Tây Thiên – Tổ đình Trung Hậu.
Đây chính là công việc đại Phật sự dâng lên kính mừng ngày Đản sinh lần thứ 2641 của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu GHPGVN thành phố Hà Nội lần thứ VIII và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2017 – 2022 cũng như chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.
Chứng minh buổi lễ có: Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng – Thư ký HĐCM GHPGVN; Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Thành viên HĐCM GHPGVN, Trưởng sơn môn Trung Hậu; Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm – Thành viên HĐCM GHPGVN; Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Dục – Thành viên HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban thông tin truyền thông GHPGVN; Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN; Thượng tọa Thích Quảng Hà – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Phó ban thường trực Ban kiểm soát TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS kiêm quyền Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni trong HĐTS TW GHPGVN, chư tôn đức trong BTS GHPGVN thành phố Hà Nội và BTS các tỉnh thành phía Bắc, chư tôn đức trụ trì các Tổ đình, tự viện trong và ngoài thành phố.
Về phía chính quyền có: Ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ;  Ông Nguyễn Tuấn Bình – Phó trưởng phòng an ninh xã hội Sở công an thành phố Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Ủy viên thường trực, Trưởng ban tôn giáo Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội; Ông Đỗ Minh Tuấn – Phó bí thư thường trực huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Mê Linh; Ông Nguyễn Xuân Trường – nguyên Phó bí thư huyện ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Mê Linh; Ông Đoàn Văn Trọng – Phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Mê Linh cùng quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã về tham dự buổi lễ này.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu chương trình, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN thành phố Hà Nội đã tuyên đọc sơ lược lịch sử chùa và báo cáo quá trình xây dựng ngôi Tam Bảo.

 
 
 

Sau đó, đại diện cho chính quyền, ông Bùi Hữu Dược –Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo chính phủ đã có lời phát biểu bày tỏ niềm vui và chúc mừng cho sự kiện lớn của Tổ đình Trung Hậu lần này. Ông chia sẻ về ý nghĩa của việc xây dựng nên ngôi chùa đối với đời sống tâm linh của người dân Việt, đặc biệt nhấn mạnh “không chỉ bây giờ, mà hàng ngàn năm trước, cha ông ta đã biết lấy Phật giáo để cố kết nhân tâm, vun bồi chí đức, đoàn kết nhau để cùng nhau xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm…”. Ông đã nhắc lại lời của vua Lý Công Uẩn khi xây dựng nên 9 ngôi chùa xưa kia “Dân ít, nước nghèo, nhưng chùa thờ Phật làm cho lớn, cho bền để chùa Phật trường tồn nghìn năm với đất nước, để hậu thế thấy rằng cha ông đã quan tâm tới đạo đức tâm linh, tới trí tuệ yên bình”. Qua đó, ông chia sẻ “Xưa đã thế, nay chúng ta dân số gấp cả nhiều chục lần, vật chất gấp hàng trăm vạn lần, thì việc xây dựng một ngôi chùa không chỉ khẳng định về mặt giá trị văn hóa, kinh tế mà còn khẳng định giá trị của một đời sống mới, thời đại Hồ Chí Minh, thời quan tâm tới tín ngưỡng tự do tôn giáo, thời mà tất cả mọi người đều hướng tới những giá trị tốt lành, hướng tới sự tươi đẹp. Chính vì thế, xây dựng một ngôi chùa có thể giảm một phần kinh tế trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng chính ngôi chùa mang lại những giá trị đạo đức để con người làm kinh tế gấp nhiều lần. Chính ngôi chùa xây dựng giá trị trí tuệ, để con người mang lại kinh tế gấp nhiều lần, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn. Xây dựng một ngôi chùa chính là xây dựng một pháo đài để ngăn cái xấu, hướng tới cái tốt đẹp và làm cho xã hội ngày một thịnh vượng hơn”. Chính vì vậy, ông nhận định việc xây một ngôi chùa là một việc làm không khó, nhưng việc xây dựng nên một ngôi chùa to đẹp và ý nghĩa là một việc làm không hề dễ dàng, ông mong rằng nhân dân Phật tử thập phương và chính quyền địa phương sẽ cố gắng giúp đỡ chư tôn đức trong sơn môn Tổ đình Trung Hậu xây dựng nên ngôi chùa ngày càng khang trang, tố hảo, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của không chỉ tín đồ Phật tử trong vùng mà cả nhân dân Phật tử thập phương.

 
 
 

Trong buổi lễ này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời đạo từ tới toàn thể đại chúng. Hòa thượng gợi cho đại chúng nhớ về gương sáng “Tổ Trung Hậu làm rạng danh cho Phật giáo ở miền trung du nơi đây. Khi chúng tôi còn nhỏ được thân thừa Hòa thượng tôn sư của chúng tôi – là một trong những giới tử của Tổ, Hòa thượng tôn sư luôn nhắc tới Ngài, cung kính Ngài như một vị Tổ cùng Tổ Vĩnh Nghiêm, Tổ Bằng Sở, và Tổ Thượng Thủ, Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Trí Hải đều đã hết lòng trùng hưng Phật giáo, có công chấn hưng lại Phật giáo qua thời kỳ chiến tranh chống Pháp mà Phật giáo gần như điêu tàn”. Đồng thời, Hòa thượng cũng nhớ lại về một ngôi Tổ đình trong quá khứ đã đào tạo nên biết bao thế hệ Tăng tài cho Phật giáo những năm đầu thế kỷ XX lúc Tổ Đệ Tam còn tại thế, nhớ về tấm gương sáng các vị Tổ khi xưa đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo nước nhà: “Theo quy luật biến thiên cùng sự ảnh hưởng của đất nước, thời điểm thực dân Pháp xâm lược cùng sự bào mòn của thiên nhiên, Tổ đình dần dần xuống cấp nhưng suy mà không tàn, nhờ ân đức của Tổ đã sản sinh ra những người hậu thế, những bậc hậu học của Tổ đình, đó là Đức Cố Trưởng Lão Hòa thượng thượng Thanh hạ Kiểm – trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh, một trong những người học trò, một trong những người tông môn đã làm rạng danh cho Phật giáo Bắc Kỳ ở tại miền Nam. Dù phải trở về hoằng đạo tại miền Nam do tình hình chiến tranh lúc đó, nhưng Ngài vẫn luôn tâm niệm “Cây có cội, nước có nguồn”, những thập kỷ 80 sau khi Phật giáo thống nhất, Cố Trưởng lão Hòa thượng Vĩnh Nghiêm luôn luôn đau đáu về Tổ đình Trung Hậu, hồi tưởng lại quá khứ Tổ đình Trung Hậu – nơi Tổ tông mà Ngài xuất phát cũng như chốn già lam Linh Đường (quận Hoàng Mai) nơi Ngài lúc bé xuất gia. Cơ duyên đã đến, Ngài vốn là người bạn thân hữu với Cố trưởng lão Hòa thượng thượng Thanh hạ Tứ - Phó chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN, đã không quản ngại gặp gỡ chính quyền và cố kết lòng dân cũng như quy tụ tất cả sơn môn trong chốn Tổ để Tổ đình Trung Hậu dần dần được tái lại cảnh Linh Thứu Sơn như ngày xưa Đức Phật tại thế trong Pháp hội Linh Sơn. Các hạng mục như Đại hùng bảo điện, Đông đường, Tây đường, cho tới cảnh già lam dần dần được mở mang. Sau đó, sơn môn đã cử Thượng tọa Chiếu Tạng về “tiền khai sáng, hậu trùng tu”. Thượng tọa đã giữ gìn được nề nếp tông phong trong lịch sử truyền thừa của Tổ đình vào ngày kị nhật Tổ sư thượng tuần tháng Chạp, cho tới việc mở mang xây dựng các công trình. Đặc biệt Thượng tọa đã làm công tác dân vận, công tác hoằng truyền Phật pháp cho nên cảnh già lam so với ngày xưa đã khác rất nhiều khi Đức Cố Trưởng lão Vĩnh Nghiêm mới về dựng lại”.
Hòa thượng cũng chia sẻ đây là một buổi lễ hy hữu của Phật giáo miền Bắc , bởi có sự hiện diện của 4 vị trưởng lão Hòa thượng trong HĐCM cũng như các bậc giáo phẩm HĐTS GHPGVN. Điều đó nói lên tâm đức của các Ngài với Tiền Tổ, với Phật giáo và với công việc ngày hôm nay, luôn luôn hướng về cội nguồn, muốn phục dựng lại giáo dục sơn môn, phục dựng lại truyền thống sinh hoạt của tăng đoàn, của sơn môn. Bởi vì sơn môn mà vững mạnh, Phật giáo địa phương sẽ vững mạnh. Phật giáo địa phương vững mạnh thì GHPGVN mới phát triển và vững bền.
Qua đó, Hòa thượng cũng nhấn mạnh thêm “Tổ đình Trung Hậu có một lợi thế rất đẹp, nằm trên trục đường giao thông rất thuận lợi, bên cạnh di tích Quốc gia đặc biệt đó là Đền thờ Hai Bà Trưng trong huyện. Tới cửa Phật là Tổ đình Trung Hậu, tới tri ân Quốc gia xã hội, Tiên Đế là đền thờ Hai Bà Trưng. Hơn nữa, Tổ đình còn là nơi an cư kiết hạ của Tăng Ni huyện nhà. Điều đó nói lên tầm quan trọng của Tổ đình với Phật giáo khu vực. Hơn nữa, việc tu học của Phật tử cũng nói lên công tác hoằng pháp đáp ứng nhu cầu của Phật tử trong địa phương, bên cạnh đó là nhu cầu tâm linh “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn các bậc Tiên Đế, nhớ ơn các bậc Tổ tiên ở Đền thờ Hai Bà Trưng. Hai nơi song song cùng nhau, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân thập phương
Hòa thượng khẳng định, với vị thế địa lý cũng như bề dày lịch sử của Tổ đình Trung Hậu, nơi đây trong tương lai sẽ ngày càng phát triển, là nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng và tu học Phật pháp cho đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử ở khắp nơi, giúp Phật giáo miền Bắc nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung ngày càng phát triển vững mạnh.

 
 
 
 
Thượng tọa Thích Giác Dũng - Phó trưởng sơn môn Trung Hậu phát biểu cảm tạ

 
 
 
 

Cuối buổi lễ, chư tôn đức đã làm lễ niêm hương bạch Phật, tụng kinh cầu nguyện và cử hành nghi thức động thổ, khép lại một buổi lễ thành tựu viên mãn trong niềm hỷ lạc của toàn thể đại chúng.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC