Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Thường thức Phật giáo › Bài Viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 16/01/2017 13:52 PM 
Phong tục ngày Tết - một nét văn hóa của người Việt Nam
Tết Nguyên đán là sinh hoạt văn hoá cổ truyền quan trọng nhất của người Việt Nam. Mỗi khi “Tết đến, Xuân về”, không chỉ người Việt sống ở trong nước, mà cả những người con sống xa Tổ quốc đều hướng về quê nhà, về Việt Nam- nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Năm hết Tết đến” là cụm từ được nhắc nhiều nhất mỗi khi chúng ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán/Tết Cả.
Nói một cách chặt chẽ và chính xác, Tết được bắt đầu từ ngày mồng một tháng Giêng theo lịch cổ truyền – âm lịch và kéo dài hết 3 ngày: mồng một Tết, mồng hai Tết và mồng ba Tết.
Trong văn hoá của người Việt nói riêng, của cư dân nông nghiệp lúa nước thuộc hệ Bách Việt nói chung, các lễ tết trong năm thường nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần trong một năm. Các lễ tết này thường diễn ra hoặc xoay quanh các tiết, ví dụ như: Tết Nguyên đán nương theo tiết Lập Xuân, tết Đoan Ngọ lại vào khoảng trước hoặc sau tiết Hạ chí, tết Trung thu ở trước sau tiết Thu phân…
Tết Nguyên đán được xác định vào thời điểm như hiện nay (mồng một tháng Dần) là dựa theo 2 loại lịch: lịch của cư dân Bách Việt và Hoa Bắc, và cũng chỉ bắt đầu đâu đó khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm. Dù được định danh chưa thật lâu, song đến nay, Tết Nguyên đán đã trở thành cái Tết quan trọng nhất không chỉ của người Việt, người Trung Quốc mà cả những dân tộc khác như Nhật Bản, Triều Tiên - những vùng “ngoại biên” của văn minh Trung Hoa. Như vậy, Tết Nguyên đán cũng như cả văn minh Trung Hoa không phải là sản phẩm của người Hoa, mà cội nguồn của nó chính là sự kết tinh các nhân tố văn hoá của nhiều tộc người, cả Hoa và phi Hoa ở vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Tuỳ theo mỗi năm, TẾT có thể được định trước hoặc sau ngày Lập Xuân nhưng vẫn được coi là sự mở đầu của mùa Xuân. Triết lý mang tính nguyên hợp và thể hiện tư duy huyền thoại về cái Tết này là cái chết tạm thời và sau đó là sự phục sinh của vũ trụ, từ năm cũ bước sang năm mới. Đó là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang đậm tính biểu trưng và chịu sự ảnh hưởng của Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Theo quan niệm này, 7 ngày trước ngày đầu năm mới ( tức 23 tháng Chạp) là ngày chết tạm thời của vũ trụ, còn vào thời khắc giao thừa, vũ trụ bắt đầu hồi sinh và hồi phục hoàn toàn vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Trong quãng thời gian 2 tuần lễ ấy, người ta thực hiện khá nhiều nghi thức tế lễ để xua đi xui xẻo, cầu mong may mắn cùng những điều tốt đẹp sẽ đến với cá nhân và cả cộng đồng.
1. Tết ông Công ông Táo
Tết của người Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sở dĩ có tên là Tết ông Công ông Táo vì đó là ngày người Việt cúng ông Táo. 
Theo Đạo giáo, đây vốn là 3 vị: Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ, thể hiện quan niệm “tam vị nhất thể” (vị thần tuy 3 mà 1) của tôn giáo này, nhưng khi sang Việt Nam, họ được người Việt biến thành huyền tích “2 ông 1 bà”, gồm vị thần Đất, vị thần Nhà và thần Bếp, với chức năng vừa là thần bếp trong nhà, vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mà họ tai nghe mắt thấy. Và hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, họ lại cưỡi cá chép bay về Trời. Người Việt làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo vào trưa hoặc chiều của ngày này. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả,  cơm, cỗ, vàng mã… còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và ba con cá chép. Ngoài cá chép giấy, người ta còn mua cá chép sống làm lễ rồi đem thả phóng sinh. Điều ấy đã thể hiện nét biện chứng: trong cái chết đã có mầm của sự sống, đó là việc gieo mầm sự sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, nếu quan sát những người đi thả phóng sinh, ta sẽ thấy một cảnh tượng khá phổ biến: người ta dừng xe máy hoặc ô tô trên cầu Chương Dương, rồi cầm túi ni lông trong có những con cá sống ném xuống sông mà không cần biết, liệu chúng còn có thể sống khi bị rơi từ độ cao ấy xuống nước hay không?; hoặc nếu còn sống, liệu chúng có thể “quẫy đạp” để ra khỏi mớ túi lùng bùng ấy? Với thái độ “làm cho xong chuyện” hoặc có thể không ý thức được hậu quả của việc mình làm như vậy, liệu họ có thể tạo “duyên thiện” hay lại là “nghiệp ác”? Điều ấy có nghĩa là cần hiểu biết ý nghĩa của việc mà chúng ta sẽ làm và có thái độ trân trọng với sự sống, dù đó là sự sống của loài vật để có cách ứng xử đúng đắn.
2. Lễ dựng cây Nêu
Cùng với tết ông Công ông Táo, trong ngày 23 tháng Chạp, còn có tục dựng cây Nêu. Cây Nêu ngày Tết của người Việt vốn có tiền thân của các tộc người ở Đông Nam Á (thuộc ngữ hệ Môn- Khơme và Tày – Thái cổ) và mang ý nghĩa là một loại cây vũ trụ, còn gọi là cây Mặt Trời. Mặt trời trong trường hợp này được tượng trưng bằng túm lông gà sống thiến, một miếng vải đỏ hay vật hình tròn đan kiểu mắt lưới treo trên cây. Người dân Việt cổ cho rằng, vì mặt trời ngủ đông nên phải dựng cây Nêu để đón ánh mặt trời, để mặt trời có chỗ đậu ngay khi vừa tỉnh giấc Xuân. Khi Phật giáo vào Việt Nam và ảnh hưởng đến văn hoá Việt, việc dựng Nêu được Phật giáo hoá với câu chuyện Sự tích cây Nêu ngày Tết, với hình ảnh tấm áo cà sa của Đức Phật treo trên cành tre để xua đuổi bầy quỷ dữ từ biển Đông (tượng trưng cho thế lực hắc ám, cho bóng tối, cho điều ác), lợi dụng lúc cuối năm vô chủ (lúc này thần linh không còn ở hạ giới), ào vào đất liền để tranh giành lãnh thổ của con người. Như vậy, cây Nêu vừa thể hiện cho sự tôn kính trời đất, vừa nhằm tiễu trừ ma quỷ.
Chỉ tiếc rằng, tục lệ này đến nay hầu như đã bị mai một hoàn toàn, ta chỉ còn có thể nhìn thấy bóng dáng của cây thiêng này trong các bảo tàng, ở một vài dân tộc cư trú khá xa đồng bằng, đô thị.
3. Lễ trừ tịch (lễ Giao thừa)
Lễ trừ tịch (trừ là bỏ đi, tịch là chiếu), tức là lễ thay chiếu. Dân gian thường có câu: tối như đêm ba mươi, nhưng nửa đêm về sáng lại là thời gian của ánh sáng. Bởi vậy, đêm trừ tịch được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, rũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng. Vào trước nửa đêm của đêm 30 này, người ta quét dọn sạch sẽ những gì nhơ bẩn, dọn sạch những phiền muộn, bất hoà của cuộc sống để chuẩn bị cho ngày bắt đầu của năm mới. Lễ trừ tịch được thực hiện vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ), khoảnh khắc bao hàm trong nó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới, nhưng người ta thường thực hiện lễ này vào lúc giao thừa (giao thời)- thời điểm chuyển tiết giữa năm cũ – năm mới nên còn gọi là lễ Giao thừa. Khi làm lễ trừ tịch, các gia đình thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, cúng trừ tịch với mâm xôi với con gà trống luộc hoặc mâm xôi với chiếc chân giò lợn. Trong lúc lễ, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hoà với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện. Họ cũng xin tổ tiên phù hộ cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe trong năm mới. Cùng với mâm cỗ đặt tại bàn thờ gia tiên, người Việt còn có mâm cỗ cúng ngoài sân để đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Theo quan niệm dân gian, giao thừa là lúc họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản Hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại.
4.Tục xông đất
Tục xông đất đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu và còn tồn tại đến ngày ngay. Với quan niệm, mồng Một là ngày mở đầu của một năm mới nên nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Vì thế, ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Vậy nên nhiều khi, ngay từ cuối năm trước, người ta đã cố ý tìm những người có tính tình vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm nhà, làm vị khách đầu tiên của gia đình, với hy vọng một năm gặp nhiều thuận lợi. Rõ ràng, dù ở thời kỳ nào, những giá trị văn hoá vẫn không thay đổi, con người vẫn luôn luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
5. Xuất hành 
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới với mong muốn tìm được may mắn cho bản thân và gia đình suốt cả năm. Vì thế, trước khi xuất hành, người ta thường chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... 
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi làm lễ, người Việt (Bắc bộ) còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phúc cho cả năm. Đó là tục hái lộc. Nhưng chính bởi tục hái lộc này mà cây cối trong các đền, chùa trở nên xơ xác sau một vài ngày đầu năm, thậm chí là ngay sau Giao thừa. Hái lộc với mong muốn đem lộc về nhà, nhưng con người lại vô tình (hoặc cả cố ý) phá hoại cây cối, mầm lộc, triệt hạ sự sống của cây cỏ và làm ảnh hưởng đến môi trường ngay trong ngày đầu năm mới. Vậy nên cần coi đây là một hủ tục và kiên quyết bài trừ, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi việc bảo vệ môi trường không chỉ là việc làm cần thiết mà đã trở thành cấp thiết đối với tất thảy mọi cá nhân và cộng đồng. 
6. Chúc Tết
Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ và các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ sang năm mới là mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên.
Ngoài ra, ca dao còn có câu:
Mồng Một thì ở nhà Cha
Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy
Đó cũng là cách ứng xử hết sức văn hoá của người Việt Nam trong 3 ngày đầu năm mới, thể hiện đạo đức hiếu lễ và truyền thống tôn sư trọng đạo. 
7. Hoá vàng
Trong 3 hoặc 5 ngày đầu năm mới là 3 – 5 ngày các gia đình sửa soạn cỗ cúng Tổ Tiên hàng ngày, vì trước khi năm cũ kết thúc, các gia đình đều đến mộ phần, khấn tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đến ngày mồng 4 hoặc mồng 5 tết, người ta làm cơm và đốt vàng mã để tiễn tiền nhân về cõi âm. Đây cũng là một phong tục đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.  
8. Lễ Khai hạ
Ngày mồng 7 tết là ngày hạ cây Nêu, gọi là lễ Khai hạ, coi như mừng kết thúc Tết để bắt đầu quay lại một chu trình làm việc. Người ta làm lễ “mở cửa rừng” nơi rừng núi để dân có thể lại vào rừng tự do; ở đồng bằng có lễ “hạ điền” để chuẩn bị cho một mùa vụ mới; nơi công thự quan lại và triều đình lại làm lễ “khai ấn”. Mọi sinh hoạt đời thường lại được tiếp tục để đến 23 tháng Chạp, người Việt lại đón một cái Tết mới.
Có thể thấy, phong tục ngày Tết đã thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Và trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải gìn giữ những truyền thống ấy cho thế hệ mai sau, để Tết Nguyên đán mãi mãi vẫn là Tết Cả của người dân Việt hôm nay và ngày mai.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC