Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 08/01/2017 19:17 PM 
Lễ kỉ niệm ngày Đức Phật thành đạo và 19 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc
Sáng ngày 05 tháng 01 năm 2017, nhằm ngày 08 tháng 12 năm Bính Thân, hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa khắp các tỉnh miền Bắc đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) hân hoan đón mừng Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo và kỷ niệm 19 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Đến chứng minh và tham dự có sự hiện diện của Chư tôn đức giáo phẩm chứng minh: Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp Chủ HĐCM GHPGVN, Ân sư của Đạo tràng Pháp Hoa;  Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni Ủy viên HĐTS GHGPVN, Ban Hoằng pháp T.W, trụ trì các tổ đình miền Bắc cùng về tham dự.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm. Hòa thượng nhấn mạnh: “Trong khoảnh khắc thiêng liêng này, chúng ta cùng nhau trầm tư để chiêm nghiệm về ý nghĩa tích cực của sự kiện này để vạch hướng đi đích thực trong kiếp sống làm người. Trước hết là biểu trưng cho sự vượt qua chính mình, trải qua biết bao tháng ngày dài khổ hạnh, và công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý đặc sắc hi sinh thân mạng để tìm tòi mối đạo, mới cảm nhận hết giá trị chói lọi của bậc đại giác. Thứ hai, một sự khai sáng tuyệt vời cho nhân loại, Ngài xuất hiện để tìm phương pháp cứu giúp chúng sinh thoát khỏi đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Sa Nặc lúc chia tay: “Chính vì đêm tối ta mới đi tìm ánh sáng”. Cho nên trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của cuộc đời mình, Ngài đã soi rọi ánh đạo vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời”.

 
 
 

Cũng trong dịp này Phật tử Pháp Thiện Nội đã thay mặt cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc báo cáo tổng kết một năm tu học của Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc. Trong bài phát biểu, Phật tử Pháp Thiện Nội đã điểm lại vài nét hoạt động trong năm Bính Thân của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc: 
-Đầu năm lễ Phật, lễ gia tiên, cầu phúc đón xuân mới và hành hương các thánh tích.
-27/Giêng hàng năm có đại lễ mừng thọ cho các lão ông, lão bà. Riêng năm Bính Thân có 1285 cụ kể cả các cụ từ 86 tuổi trở lên thì năm nào cũng được mừng thọ.
-Trợ duyên vào mùa Phật Đản, Vu lan, an cư kết hạ, các khóa tu an lạc hàng tháng, các pháp hội, trợ duyên cho các khóa tu tuổi trẻ, lễ giỗ Tổ ở các trụ xứ, các Phật sự khác như lễ mừng thọ, kỉ niệm ngày thành lập GHPGVN tại Tổ đình Trung Hậu, kỉ niệm 110 năm ngày viên tịch của Tổ Bồ Đề.
-Đặc biệt năm nay, trong mùa an cư kết hạ, ngoài phần nhiệm vụ cho các đạo tràng thành viên đi cúng dàng các hạ trường và khánh tuế các quý Thầy thêm tuổi hạ, thì các Phật tử đạo tràng cũng được thính pháp nghe kinh, pháp hội Dược Sư 7 ngày tại chùa Bằng được Thượng tọa pháp sư giảng giải trọn vẹn bộ Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.
-Với công tác từ thiện là hoạt động Phật sự hàng năm và là điểm nhấn của đạo tràng Pháp Hoa là hạnh vị tha, giúp các Phật tử trải lòng Bồ Đề và tình thân ái. Với đồng bào miền Trung năm nay bị họa cá chết, ô nhiễm môi trường, bão lũ úng ngập, các đạo tràng cùng đóng bè tập phúc chia sẻ, trợ giúp những xuất cháo cơm từ thiện hàng tuần cho các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện ở Hà Nội như bệnh viện K, u bước, huyết học…Đặc biệt, kính tặng 2 ngôi nhà tình nghĩa tại Hà Tĩnh. Ngày 21/11 vừa qua, tại Sa Pa lại tặng tiếp 2 ngôi nhà tình nghĩa đến 2 gia đình nghèo người Mông và người Dao cùng 200 xuất quà tặng cho đồng bào nghèo của 2 xã trong huyện Sa Pa.

 
 
 
 

Sau đó, toàn thể hội chúng đã được lắng nghe lời đạo từ vô cùng ý nghĩa của Hòa thượng ân sư Thích Trí Quảng. Hòa thượng tán thán thành quả mà Đạo Tràng Pháp Hoa miền Bắc đã làm được trong năm vừa qua. Đồng thời mong rằng những đạo tràng nào còn yếu kém thì những đạo tràng đi trước nên quan tâm và giúp đỡ. Hòa thượng cũng chia sẻ “Một trong những đạo tràng đầu tiên được thành lập ở vùng địa đầu là đạo tràng Móng Cái. Khi ra Móng Cái, tới chùa Xuân Lan, tôi nhìn thấy cảnh hoang tàn, gần như ở đây không còn sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo. Cho nên đứng vào ngôi chùa hoang như vậy, tôi có khấn nguyện đất nước, ông bà, tổ tiên trời Phật của chúng ta gia hộ cho dân tộc Việt Nam giữ vững được bờ cõi này. Đó là ý niệm đầu tiên mà khởi lên từ chùa Xuân Lan – Móng Cái. Và cũng trong lúc đó trầm tư suy nghĩ, tôi mới nhận ra được một điều là những người có mặt hôm nay cũng là những người ở trong thời Hùng Vương dựng nước, cũng ở trong thời kì Đinh – Lê – Lý – Trần Phật giáo cực thịnh. Tôi rút ra lại trên cuộc đời này để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và phát triển dân tộc Việt Nam chúng ta lên một tầm cao mới. Mới ban đầu tôi nghĩ việc kế thừa truyền thống dân tộc từ ông bà tổ tiên chúng ta truyền xuống tới cha mẹ chúng ta rồi tới chúng ta hôm nay, mang hình hài hôm nay mà Đức Phật gọi đó là Tứ đại và ngũ uẩn chính là thân chúng ta có đây. Đây là sự kế thừa truyền thống Tổ tiên nhiều đời của chúng ta cho tới hôm nay. Trong sự kế thừa ngũ uẩn này, có một điều quan trọng đó là Thức uẩn. Cho nên từ thời Hùng Vương cũng là ta mà qua tới thời Đinh Lê Lý Trần cũng là ta, và hôm nay cũng là ta. Không phải là con người nào khác. Đó là trong thức uẩn. Nhưng mỗi một kiếp tái sinh như vậy, nếu may mắn chúng ta được gặp Phật pháp thì chúng ta cởi bỏ được một phần phiền não, nhiễm ô, trần lao, thì một phần trí tuệ sinh ra, một phần công đức sinh ra do trí tuệ chỉ đạo. Còn nếu không may mắn thì chúng ta gặp thầy tà bạn ác mà thường gọi đây là ác ma, cho nên liền tăng trưởng phiền não trần lao. Cuộc sống của chúng ta cơ cực, nghèo nàn, khốn khổ thì phiền não, bực tức dâng lên. Cho nên chính bản thân tôi sinh ra trong thời pháp thuộc, lớn lên trong thời chiến tranh, tôi đã nhận ra được ý này. Trong thời pháp thuộc làm cho tôi có suy nghĩ về cuộc đời cơ cực của con người, về cái khổ nhục của con người, nói rõ ra là người dân mất nước cho nên lúc đó tôi căm thù giặc Pháp. Cho nên càng căm thù thì lòng tham sân nổi lên cao hơn. Nhưng may mắn là được gặp Phật pháp, cho nên tỉnh ngộ trở lại, thấy sự căm thù mà Đức Phật dạy không bao giờ có thể diệt được căm thù. Cho nên cái quan trọng nhất mà tôi đã nhắc quý vị tối qua, chúng sinh vô biên thì không thể nào độ hết được, nếu muốn độ chúng sinh vô biên này thì phải độ tự tính của chúng sinh trước. Cho nên muốn hết khổ đau, buồn phiền, bất mãn, căm thù thì không gì hơn là tự tính phiền não của chúng ta bên trong dứt đi. Tự tính vốn rất quan trọng mà chúng ta lại không quan tâm, chỉ quan tâm bên ngoài. Một đối thủ mà chúng ta căm thù thì bây giờ Đức Phật dạy chúng ta là nên diệt đối thủ căm thù ở chính trong lòng chúng ta, hay nói cách khác là nên diệt lòng căm thù của chính chúng ta trước. Nếu diệt được rồi thì đối thủ mà ta căm thù sẽ tự nhiên thay đổi, cái này chính là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Cho nên khi tôi căm thù Đạo Thiên Chúa, lúc bấy giờ tôi mới bị những người Thiên Chúa bắt. Tôi nghĩ bây giờ là chết rồi, cho nên tôi chỉ còn một điều duy nhất là nghĩ đến Phật. Nghĩ tới Phật để chết là quyết định về Phật, đây là ý niệm cao nhất tôi có trong lúc nguy hiểm nhất, thì tự nhiên người này đổi giọng đối với tôi, thay đổi thái độ. Cho nên lòng chúng ta không căm thù oán hận, thì tất cả các oán hận sẽ tự nhiên mất. Ta học đạo, ta học Phật ta phải hiểu rõ. Xã hội đau khổ là vì tất cả mọi người muốn lấy hận thù diệt hận thù. Điều này không bao giờ hết được. Nếu số lượng tiền bạc để chế ra vũ khí phục vụ chiến tranh trên thế gian này mà để sử dụng cho tình thương của Đức Phật thì chắc chắn xã hội này sẽ biến thành thế giới cực lạc”. 
Sau đó, Hòa thượng tôn sư cũng nhắc lại về lịch sử hình thành và phát triển của đạo tràng Pháp Hoa “Khi đất nước chúng ta vừa độc lập thống nhất thì tôi đã nghĩ ngay tới vấn đề thành lập Đạo tràng Pháp Hoa. Đạo tràng Pháp Hoa miền Nam được thành lập năm 1956 – mùa Phật Đản. Năm 1956 tức là mùa Phật Đản đầu tiên sau khi đất nước chúng ta độc lập, thống nhất. Cho nên Bổn Môn Pháp Hoa cũng được soạn ra từ đây. Tại vì lúc đó tôi nghĩ một bộ kinh Pháp Hoa của Đức Phật mà ngài Trí Tịnh dịch ra tiếng Việt, nếu Phật tử chúng ta tụng thì ít nhất cũng phải một ngày, tức là từ sáng tới chiều tụng mới hết. Cho nên khi thống nhất đất nước rồi, lúc bấy giờ tôi mới nghĩ ra nước chúng ta còn nghèo, dân còn khó, cho nên chủ trương của nhà nước bấy giờ là tăng gia sản xuất. Do đó, thì giờ mà ngồi tụng kinh cả ngày là không thể. Nên tôi soạn ra bộ Bổn Môn Pháp Hoa để cho các Phật tử vừa lao động sản xuất mà cũng vừa tu hành được. Đây là bước đầu tiên tôi nghĩ ra, cho nên đạo tràng Pháp Hoa của chúng ta được hình thành cũng là từ lúc này. Tại sao chúng ta lại chọn đạo tràng Bổn Môn Pháp Hoa? Đây là điểm quan trọng nhất. Bổn Môn Pháp Hoa cũng là cốt lõi của đạo Phật chúng ta. Cho nên chúng ta chỉ có 2 chữ Pháp Hoa thôi. Pháp – chỉ cho thân tâm thanh tịnh của ta, Hoa là chỉ cho diệu dụng của chân tâm thanh tịnh tức là hiện hữu trên cuộc đời”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “các Phật tử hãy gạt bỏ nghiệp chướng trần lao ra khỏi bản thân rồi nhìn nhau bằng tâm Phật, tức là tâm không còn phiền não nhiễm ô thì mọi việc tranh chấp trên cuộc đời này sẽ coi như chấm dứt. Cho nên hiện trên cuộc đời là hoa sen, Bồ tát đi vào đời như sen nở khắp muôn nơi. Nếu quý vị muốn mở rộng đạo tràng thì hãy đi vào đời như một vị Bồ Tát, vào đời với một tâm trạng thân thương gần gũi với tất cả mọi người, không đòi hỏi ở thiên hạ bất cứ một cái gì cho ta, mà ta chỉ có ý tưởng phục vụ cho chúng sinh là cúng dường chư Phật, phục vụ được cho chúng sinh càng nhiều thì ta càng gần với vị trí của Đức Phật. Các Phật tử hãy cố gắng độ cho tận chúng sinh ở trong lòng chúng ta và cũng diệt cho tận những phiền não trong lòng chúng ta, thì chắc chắn Phật đạo vô thượng của chúng ta sẽ thành công, mà thành công được thì ta tới bất cứ chỗ nào cũng là hóa thân của Đức Phật Thích Ca, hiện thân của ông bà Tổ tiên nhiều đời của chúng ta”. 

 
 
 
 
 

Cũng nhân dịp này, đáp ứng nhu cầu của những thiện nam tín nữ phát tâm thiện lành muốn quy y Tam Bảo, nương nhờ vào ba ngôi báu để sống đời tỉnh thức, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới cho 1026 thiện nam tín nữ.
Quy y Tam bảo là điểm khởi đầu đánh dấu cho một sự chuyển hướng tâm hồn về nẻo thiện, sau khi quy y thiện nam tín nữ chính thức trở thành người con Phật. Do đó, buổi lễ Quy y vô cùng quan trọng, vì vậy trước khi buổi lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới diễn ra, Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN đã giảng giải về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo tới toàn thể đại chúng. Đại đức đã nói rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Tam quy - Ngũ giới. Tam quy giúp mỗi người có chỗ dựa tinh thần thù thắng, vững chắc, tránh bị đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ngũ giới là phương pháp thiết thực và cụ thể giúp chúng ta ngăn ngừa những hành động sai trái nơi thân, khẩu, ý, từ đó mà đạt được sự an vui trong hiện đời và vị lai. Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho 1026 quý thiện nam tín nữ. Đại chúng đều thành kính nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC