Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 05/12/2016 12:08 PM 
Lễ khánh thành Đại Hùng Bảo Điện chùa Hoàng Kim
Sáng ngày 03 tháng 12 năm 2016, nhằm ngày 05 tháng 11 năm Bính Thân, tại chùa Hoàng Kim – thôn Đại Hoàng – xã Hòa Hậu – huyện Lý Nhân – tỉnh Hà Nam đã long trọng tổ chức đại lễ khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện trong niềm hoan hỷ vô biên của những người con Phật nơi đây.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thiện Hưởng - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam; Đại đức Thích Quảng Bảo – Phó BTS kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Hà Nam; Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên Ban hoằng pháp TW GHPGVN cùng sự hiện diện của chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa, tự viện trên địa bàn tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Ông Trần Đức Huy – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu; Ông Trần Huy Hài – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Hậu; Ông Trần Hữu Thao – Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu; Ông Trần Đức Tuyến – Thường vụ Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cùng sự tham dự của quý vị lãnh đạo đại diện các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã về tham dự buổi lễ.

 
Văn nghệ chào mừng Đại lễ

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cung nghinh chư tôn đức quang lâm
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc và báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện của cụ ông Trần Văn Đức – đại diện Ban kiến thiết chùa Hoàng Kim.

 
 
 
 
Ông Trần Thế Long - giám đốc công ty dệt may Châu Giang đại diện cho các mạnh thường quân phát biểu chúc mừng sư thầy trụ trì và nhân dân Phật tử chùa Hoàng Kim

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thượng tọa Thích Thiện Hưởng trao tặng bằng tuyên dương công đức cho các Phật tử đã có công trong việc xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Hoàng Kim

 

Sau đó, trong lời phát biểu chúc mừng buổi lễ cắt băng khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện tại chùa Hoàng Kim, ông Trần Đức Huy – đại diện chính quyền đã chia sẻ “Làng Đại Hoàng là một trong 4 làng thuộc xã Hòa Hậu với gần mười nghìn người. Xưa kia làng đã có một ngôi đình, một chợ, một ngôi chùa, 4 ngôi đền song do điều kiện chiến tranh loạn lạc, kinh tế kém, hầu hết các công trình tín ngưỡng tôn giáo của làng đã bị hủy diệt hoàn toàn hoặc gần như toàn bộ. Chỉ duy nhất sư trụ trì, Tăng Ni Phật tử và nhân dân trong làng còn giữ lại được ngôi chùa Hoàng Kim đến ngày hôm nay. Đó là công trình tôn giáo tín ngưỡng duy nhất. Trải qua thời gian vài trăm năm, từ khi xây dựng, điều kiện để cải tạo và nâng cấp chưa có, do vậy thời gian gần đây ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân trong làng và của Tăng Ni Phật tử chùa, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã nhất trí để nhà chùa kêu gọi sự công đức của Tăng Ni, Phật tử quý khách thập phương để tôn tạo, nâng cấp lại ngôi chùa”. Ông bày tỏ niềm vui mừng trước công trình đã hoàn thành khang trang, đẹp đẽ ngày hôm nay được tạo nên bởi nhiều tấm lòng hảo tâm của những người con Phật gần xa và của quý chư tôn đức Tăng Ni. Ông mong rằng đây sẽ là công trình văn hóa tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của không chỉ nhân dân trong làng mà còn của Phật tử và nhân dân các khu vực lân cận hướng về ngôi chùa. Ông cũng hi vọng thầy trụ trì và nhân dân Phật tử bản tự đặc biệt là Ban kiến thiết nhà chùa phải tiếp tục nghiên cứu những nét nào chứng minh được tuổi đời của ngôi chùa, của làng Đại Hoàng, hồn cốt của dân tộc đều phải giữ bằng được, hãy tiếp tục giữ gìn và phát huy những nét truyền thống của ngôi chùa, đây là những nét kiến trúc truyền thống là hồn cốt của làng quê, của dân tộc. 

 
 

Cuối cùng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời đạo từ nhấn mạnh về ý nghĩa của ngôi chùa trong lòng mỗi người dân Việt. Hòa thượng chia sẻ “Dù làng giàu hay làng nghèo, dù nơi đông dân hay nơi thưa dân đều cố gắng dựng nên một ngôi chùa, mà theo quan niệm người xưa ngôi chùa đó phải được dựng trên thế đất đẹp đầu làng hoặc giữa làng hoặc cuối làng. Nếu thế đất đẹp ở đầu làng, ngôi chùa sẽ được dựng lên ở đó và ông cha ta sẽ dạy con cháu rằng Phật là trên hết, là tối tôn tối kính cho nên chùa ở đầu làng. Nếu thế cục của đất ở giữa làng đẹp thì ông cha sẽ dựng chùa ở giữa làng và dạy con cháu rằng chùa nằm ở trung tâm để mọi người về chùa cho gần, với câu dạy “Phật tại Tâm” cho nên ở giữa làng. Nếu thế đất ở cuối làng đẹp, long mạch tốt thì ông cha ta dựng chùa ở cuối làng và lúc đó dạy con cháu “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa”. Tóm lại như ông Ngô Sỹ Liên đã phê trong Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư rằng nơi nào đẹp nhất của địa phương thì nơi đó người dân dựng chùa thờ Phật. Thờ Phật để tạo nên một danh lam thắng cảnh cho địa phương, bởi chùa mang tính chất văn hóa đặc trưng của người Việt. Mái ngói, phong rêu trải qua năm tháng, tượng Phật vàng son…tất cả đều mang đậm văn hóa Việt Nam”.
Trong lời đạo từ, HT cũng đã chia sẻ cho đại chúng về lịch sử của ngôi chùa Hoàng Kim  vốn là chốn tổ Ni lớn, trải qua 5 đời sư trụ trì chính truyền: đời thứ nhất sư tổ tự Tịnh Tiến hiệu Hiền Thiện; đời thứ hai cố Ni trưởng tự Tịnh Tuệ hiệu Tinh Từ kiêm trụ trì chùa Đông Mạc - thành phố Nam Định, sư Tổ là người họ Trần bản quán của làng Đại Hoàng; đời thứ ba là cố Ni trưởng tự Quảng Thức hiệu Chân Thành kiêm trụ trì chùa Thọ Vực - thôn Tảo Môn - xã Hòa Hậu; đời thứ tư là cố Ni trưởng tự Đàm Bình hiệu Từ Thiện đến đời thứ năm là sư thầy Đàm Huy hiện nay kế đăng trụ trì. Đặc biệt, chùa tuy là chùa Ni nhưng đời nào cũng có các vị Cao Tăng hướng dẫn, chỉ dạy. Sư Tổ Đàm Tiến là người được tính là đệ nhất Tổ thì có sư Tổ Thủ Tọa (thuộc sơn môn Thạch Cầu – Hải Hậu) là anh trai của cụ Tịnh Tiến về bên này dạy học. Đến sư cụ Quảng Thức cũng được nương tựa vào ân đức của Tổ Cao Đà - Thích Thiện Bản, sư cụ Đàm Bình cũng được nương tựa vào ân đức của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Chính trụ trì chùa Diên Phúc - thôn Nam Hà - xã Tân Thịnh - huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định.
Hòa thượng coi đây như quê hương thứ hai của Hòa thượng. Vào những tháng năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc Hòa thượng đã theo gia đình về đây sơ tán. Sống và lớn lên cùng gia đình tại đây, trong sự bình yên nơi ngôi chùa Đại Hoàng, sớm chiều nghe tiếng kinh kệ hòa trong tiếng chuông tiếng mõ chính là một phần nhân tố thúc đẩy Hòa thượng quyết định xuất gia đầu Phật, tu dưỡng thân tâm để trở thành một giáo phẩm trong TWGHPGVN như ngày nay.
Với tâm nguyện muốn báo ân nên Hòa thượng luôn quan tâm, khuyến tấn, chư tăng ni và nhân dân phật tử nơi đây tu học, đồng thời Hòa thượng đã cùng sư thầy trụ trì và nhân dân Phật tử địa phương phát nguyện tái kiến thiết ngôi cổ tự, góp phần giữ gìn, phát triển chùa Đại Hoàng làm nơi quy ngưỡng tâm linh và là nơi phát triển công tác hoằng pháp cho nhân dân, Phật tử gần xa.
Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ trước sự đoàn kết một lòng cùng xây dựng chùa cảnh của sư Thầy Đàm Huy và nhân dân, chính quyền địa phương. Tuy ngôi chùa đã được xây dựng lại nhưng những nét cổ kính vẫn được lưu giữ lại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hòa thượng hi vọng trong tương lai ngôi chùa Hoàng Kim sẽ đóng góp thêm nhiều Phật sự và trở thành nơi tu học để quý Phật tử gần xa về nương tựa tu tập.

 
 
 
 
 
 
 
Sư thầy trụ trì Thích Đàm Huy phát biểu cảm tạ

Buổi lễ thành tựu viên mãn sau khi chư tôn đức chứng minh và đại diện chính quyền làm lễ cắt băng khánh thành. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và chư tăng ni cùng đông đảo nhân dân Phật tử với lòng chí thành chí kính đã thực hiện nghi thức dâng hương lễ Phật trong ngôi Đại Hùng Bảo Điện trang nghiêm. 

 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC