Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 26/08/2016 18:43 PM 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Ích Minh – Bắc Giang
Sáng ngày 25 tháng 08 năm 2016, nhằm ngày 23 tháng 07 năm Bính Thân, nhận lời thỉnh mời của Đại đức trụ trì Thích Pháp Tuệ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm về chùa Ích Minh – thôn Đồng Ích – xã Hương Mai – huyện Việt Yên – tỉnh Bắc Giang để thuyết giảng cho đạo tràng bản tự trong ngày tu an lạc định kỳ hàng tháng.
Nhân mùa Vu Lan tháng 7, Hòa thượng đã ôn lại cho đại chúng “nhớ nghĩ và hiểu về tinh thần tri ân – báo ân, nhớ về đạo Hiếu của dân tộc Việt cũng như tinh thần Hiếu đạo trong kinh điển của Phật giáo, để chúng ta thấy đạo đức học và văn hóa của dân tộc Việt đã thấm đượm tinh thần giáo lý của Phật giáo - một tôn giáo lớn trên đất Việt, một tôn giáo có bề dày lịch sử nhất trong các tôn giáo ở Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ thấy được sự gắn bó, mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo với dân tộc, giữa ngôi chùa với nhân dân địa phương”.
Mở đầu bài giảng, Hòa thượng đã chia sẻ cho đại chúng về mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái qua lời dạy của Đức Phật trong Kinh Thiện Sinh. Cha mẹ đối với con cái có 5 điều và con cái đối với cha mẹ cũng có 5 điều phải ghi nhớ. Hòa thượng chia sẻ về tình yêu thương thiêng liêng, cao cả mà cha mẹ dành trọn cho con cái qua những câu chuyện cổ dân gian và truyện Phật giáo. Hòa thượng nhấn mạnh: “Mỗi ông bố bà mẹ đều có một chức vị do chính bố mẹ tâm đầu ý hợp tạo nên từ lúc còn yêu thương nhau cho đến khi kết hôn trở thành một gia đình và có đứa con nhỏ. Ông bố bà mẹ đó đứng trên quan điểm của dân gian được gọi là Thiên chức. Trên quan điểm nhân quả giáo lý của Đạo Phật từ thiên chức không chuẩn xác, nhưng đứng về mặt đạo đức học của thế gian thì thiên chức cha và mẹ này cũng không phải dễ dàng mà có, cũng không dễ gì mà bỏ đi được. Làm bố và làm mẹ điều đầu tiên là phải nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Cho nên tất cả mọi điều hay điều tốt nhất, mọi cái ngon, điều vui bố mẹ đều sẵn sàng hi sinh nhường nhịn cho con…Đức Phật tuy xuất thân từ tầng lớp vua quan ở xứ Ấn, nhưng nền văn hóa Châu Á giống nhau. Đức Phật cũng dạy cha mẹ với con cái điều đầu tiên là phải làm tròn trách nhiệm của người cha người mẹ với đứa con của mình. Sinh con ra không phải để con sống tùy tiện, cẩu thả. Mà luôn luôn phải quan tâm tới giấc ngủ, miếng ăn và tương lai cho người con. Đạo Phật đề cao trí tuệ “duy tuệ thị nghiệp”. Mỗi con người đều có tuệ giác, phải khai thác tuệ giác để phục vụ cho cuộc sống. Nếu không học thì là một con người không có trí tuệ, không làm được việc gì. Tất cả tôn giáo và dân tộc trên thế giới này từ ngàn xưa đều đề cao học thức. Hai mảng của cuộc sống Phúc và Tuệ phải song song. Đức Phật được tôn vinh là đấng lưỡng túc tôn. Tức là Đức Phật được tôn vinh là Phúc và Tuệ tròn vẹn. Vì vậy điều thứ hai Đức Phật dạy cha mẹ đó là phải cho con học hành đến nơi đến chốn. Điều thứ ba Đức Phật dạy cha mẹ là phải tìm nghề nghiệp chân chính cho con. Ông bố bà mẹ nào cũng phải hướng cho con tới nghề nghiệp chân thiện, làm việc bằng đầu óc trí tuệ và do chính bản thân làm ra. Nếu việc gì có lợi cho mình và cho cả cộng đồng xã hội thì Đức Phật dạy rằng khuyến khích nên làm. Còn nếu như việc gì chỉ có lợi cho mình mà không có lợi cho cộng đồng thì không nên làm. Điều thứ tư Đức Phật dạy cha mẹ giao tài sản cho con được kế nghiệp. Điều thứ năm chính là cha mẹ phải luôn hướng cho con một đạo đức học, là sống với nhau phải thương yêu tất cả muôn người muôn loài. Nếu như con chưa biết đến Tam Bảo, chưa biết nương tựa vào Tam Bảo, thì cha mẹ phải hướng con điều thiện. Nếu con cái theo thầy tà bạn xấu thì cha mẹ phải hướng cho con quay trở về nẻo chính, hay nói cách khác cha mẹ phải hướng cho con một con đường thánh thiện”. 
Qua đó, Hòa thượng cũng nhấn mạnh rằng người Việt chúng ta cũng dạy con cái với cha mẹ bằng chữ Hiếu đứng đầu. Cho nên lấy luật Nhân Quả, lấy tội phúc để dạy đứa con. Trong trăm điều phúc, phúc đức lớn nhất là con cái hiếu kính với cha mẹ. Và ngược lại, trong trăm điều tội không tội nào nặng bằng tội bất kính với cha mẹ. Cha mẹ là người quan trọng nhất, ông bà Tổ tiên là vị thần lớn nhất trong gia đình. Ông cha chúng ta coi Tổ tiên như vị vua trong nhà, “Tiên tổ thị hoàng” để đề cao tinh thần hiếu đạo bao giờ cũng phải là cha mẹ, ông bà, Tổ tiên là trên hết. Còn trong Đạo Phật, Đức Phật cũng dạy về 5 điều nghĩa vụ mà con cái phải đối với cha mẹ. Từ những điều đó, Hòa thượng khẳng định “Tinh thần hiếu đạo của người Việt và tinh thần tri ân báo ân của Đạo Phật gặp nhau ở cùng một điểm, kết tinh nên một nền văn hóa đạo đức về hiếu đạo của con cái với cha mẹ, ông bà, Tổ tiên và tinh thần trách nhiệm dạy bảo con người từ lúc bé thông qua trách nhiệm của cha mẹ với con cái”.
Sau cùng, Hòa thượng chia sẻ về tầm quan trọng của ngôi chùa trong đời sống tâm linh của người dân Việt. “Về mặt tâm linh, về địa lý, về mặt đạo đức học thường chọn thế đất đẹp để dựng chùa. Chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhưng cũng đáp ứng cho mặt đạo đức học. Nếu như ai cũng ra chùa thì sẽ phát huy được tinh thần ưu việt của con người chúng ta. Con người là tối thắng, mặc dù nó là tứ đại, mặc dù là giả tạm vô thường, nhưng trong vô thường đó mà chúng ta biết khai thác nó thì từ vô thường sẽ thành bất biến. Con người vẫn là điều quan trọng nhất. Đức Phật ra đời cũng chỉ vì một mục đích là xây dựng cuộc sống an sinh cho con người, mà cần nhất là vấn đề tinh thần, chuyển hóa khổ đau thành an lạc hạnh phúc giải thoát. Ngôi chùa được hình thành là một chuyện, người làm cho ngôi chùa phát triển là một vị sư, nhưng vị sư sẽ không thể thành công nếu không có tất cả Phật tử trợ duyên giúp đỡ. Ông cha chúng ta đã dạy “chùa do dân tạo, đạo do sư truyền”. Quý thầy giảng cho Phật tử biết chuyển hóa khổ đau, tu nhân tích đức, sống đời thiện lành, còn cơ sở vật chất là do dân tạo dựng nên. Vì vậy, các vị tu sĩ chỉ mượn cảnh để tu thân, và trong cuộc đời hiện hữu của mình thì tu Phật phải hoằng truyền chính pháp của Phật, phải phục vụ tín ngưỡng cho dân khi người dân còn đang cần tới vấn đề tâm linh. Bên cạnh đó, vị sư đã áp dụng trên tinh thần giáo lý của Đạo Phật, Đức Phật dạy chúng ta học Phật phải có hai mặt “sự và lý”, thông qua sự để hiển lý”.
Kết thúc bài giảng, Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy nỗ lực tu tập, chuyển hóa thân tâm để phá tan đi ba độc Tham - Sân - Si, mang lại cho cuộc sống sự an lạc và hạnh phúc. Hơn nữa, mỗi người hãy luôn thực hiện tinh thần tri ân - báo ân không phải chỉ trong mùa Vu Lan, mà còn là trong suốt cả cuộc đời mình. Đó mới chính là tinh thần của dân tộc Việt và của Đạo Phật.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:


  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC