Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 15/06/2016 14:07 PM 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Tương Mai
Tối ngày 14 tháng 06 năm 2016, nhằm ngày 10 tháng 05 năm Bính Thân, nhận lời mời của sư cô trụ trì Thích Đàm Thu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm về chùa Tương Mai – Hà Nội, thuyết giảng cho Phật tử Đạo tràng nhân ngày tu định kỳ thứ 3 hàng tuần.
Nhân dịp này, Hòa thượng đã giới thiệu với đại chúng về Kinh Tam Thập Độ. Đây là một bản kinh được Đức Phật giảng với dạng bài kệ tụng. Trong 49 năm Đức Phật thuyết pháp độ sinh, giáo pháp của Phật được các bậc Tổ sư sau này chia lại thành 12 Bộ đối với Đại Thừa. Còn Tiểu Thừa Phật giáo Nam truyền thì chỉ có 9 Bộ.
Trong 12 Bộ, bản kinh Tam Thập Độ nằm trong dạng kinh Cô Khởi – là bản kinh nói vắn tắt, dễ nghe dễ hiểu và dễ nhớ. Bản kinh này chia làm 10 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu tụng. Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng hiểu rõ nghĩa của 10 đoạn trong bản kinh này.
Đường tu bố thí đứng đầu
Vị tha là tính vô cầu là tâm
Không vì thương ghét sơ thân
Bàn tay bố thí nào phân biệt gì
Trong 10 đoạn kinh, thì đoạn này nói về phép bố thí. Trong tu Bồ Tát Đạo, phép Bố thí đứng đầu. Bố thí là ban trải lòng thương của mình rộng khắp tất cả mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn. Người Việt dạy con cháu rằng “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…Đây chính là tinh thần bố thí của Đạo Phật. Đến cửa Phật phải bình đẳng như nhau, thương yêu tất cả mọi người, đặc biệt là đoàn kết – cũng chính là điều Đức Phật vô cùng chú trọng. Nếu là người đệ tử Phật mà không có tâm Bố thí thì không phải là người đệ tử Phật. Bởi 3 điểm căn bản nhất của bố thí đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí. 
Thiện nhân giới hạnh nghiêm trì
Nói làm suy nghĩ luôn khi giữ gìn
Nuôi ý lực dưỡng tâm lành
Cắt dây kiết phược phá thành mê si
Bài kệ này dạy về giữ giới hạnh, giới đức và đạo hạnh rất quan trọng với tất cả mọi người. Người dân phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước, còn người đệ tử Phật phải giữ nghiêm giới luật của Phật và giới hạnh của người đệ tử Phật để thanh tịnh thân tâm. Khi ta giữ giới hạnh, đó chính là nhân lành để ta thăng tiến trong cuộc sống, nói – làm – suy nghĩ lúc nào cũng phải đi đôi với nhau, phải chuyên tâm tu tập và phải tin vào luật Nhân Quả. 
Xuất gia vốn hạnh ly trần
Quyết ra nhà lửa bỏ thân luân hồi
Lợi danh quyến thuộc xa rời
Độc cư thanh tịnh sống đời xả ly
Đoạn kinh này nói về người tu sĩ xuất gia, nhưng không phải chỉ cạo đầu mặc áo nâu ở chùa mới là tu. Xuất gia có 3 loại: thân xuất gia tâm không xuất gia, tâm xuất gia thân tại gia, thân và tâm xuất gia. Xuất gia chính là xa rời khỏi trần cấu khổ đau, ra khỏi phiền não nhiễm ô,…
Ðèn tâm trí tuệ sáng ngời
Bởi vô lượng kiếp vun bồi tuệ căn
Phân minh thiện ác giả chân
Ðiều hay chuộng học bạn lành tương tri
Đặc biệt, Đạo Phật đề cao trí tuệ qua việc tu và học, giữ giới an định sẽ sinh ra trí tuệ. Có trí tuệ mới phân biệt được hay và dở. Trí Tuệ là một trong hai phương pháp tu của Đức Phật. Đức Phật tu Phúc và tu Tuệ. Bố thí thuộc về phúc, giữ giới thuộc về Giới, xuất gia thuộc về Hạnh, Giới hạnh hành trì để có trí tuệ, trí tuệ là điều căn bản nhất. 
Chính do nghị lực tinh cần
Vượt qua bể ái chứng thân đại hùng
Kiên trì giữa cuộc lao lung
Càng nhiều chướng nghịch thêm công tu trì
“Tinh cần” chính là tinh tiến, siêng năng, là điều rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống người tu sĩ. Chính tinh cần sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi chướng duyên, thử thách. Mỗi lần vượt qua chướng ngại, phúc đức và công hạnh của chúng ta sẽ lớn hơn, năng lượng của chúng ta sẽ nhiều hơn.
Ðức tu nhẫn nại vạn năng
Nuốt điều cay đắng nuôi phần tinh anh
Chông gai khéo tạo tâm thành
Xưa nay nguyện lớn hành trình gian nguy
Tổ tiên ta đã rất đề cao chữ Nhẫn. “Chữ Nhẫn là chữ chuông vàng, ai mà nhẫn được vừa sang vừa giàu”. Trong Kinh, Đức Phật dạy “Nhẫn nhục đệ nhất Đạo”. Làm việc gì cũng phải nhẫn nại thì mọi việc mới suôn sẻ, thành tựu.
Thiện hiền chân thật không ngoa
Quí gìn lẽ thật như là bảo châu
Chân tâm ấy đạo nhiệm mầu
Nói làm nhất quán cho dù hiểm nguy
Chân thật chính là cần nhất cho tất cả chúng ta. Cha ông đã dạy “Thật thà là cha quỷ quái”. Người tu phải lấy chân thật làm đầu, không được dối trá, trên kính dưới nhường, giữa thương yêu, phải bằng tâm chân thật từ tận đáy lòng mình, thì việc gì khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua.
Bởi do chí nguyện dẫn đường
Biết nơi cứu cánh mà nương lối về
Bờ kia là đạo bồ đề
Tự lòng đã quyết bến mê phải lìa
Các vị Phật, các vị Bồ Tát, các vị Tổ sư đều do lập nguyện mà thành. Chúng ta cũng đang lập chí nguyện “Chúng sinh vô nguyên thệ nguyện độ - Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn – Pháp môn vô lượng thệ nguyện học – Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Chúng ta phải noi gương Phật, noi gương Tổ để phát nguyện tu trì để đạt đến bờ giải thoát, an vui.
Hạnh lành từ ái bao la
Chúng sinh bốn loại chan hoà tình thương
Lòng như cam lộ suối nguồn
Rải ban phúc lạc lệ tuôn quản gì
Đoạn kinh này nói rõ về lòng từ bi thương xót tất cả muôn loài, gọi là “từ ái”. Người tu Phật phải ban trải lòng thương, “bình đẳng không phân ai quý tiện – bác ái yêu thương cả mọi loài”, phải biết yêu thương không chỉ với người thân mà còn cả với cộng đồng. Tất cả mọi người mọi loài là bà con quyến thuộc của mình trong nhiều đời nhiều kiếp, cho nên phải thực hành hạnh từ ái.
An nhiên hành xả giữa đời
Khen chê được mất khổ vui thường tình
Ðiều tâm giữ ý quân bình
Trong cơn bão loạn biết gìn chính tri
Đức Phật dạy chúng ta phải giữ tâm an trú, khen không vui sướng, chê không cau mày, tâm luôn tự tại an yên. Ở đoạn thơ cuối này, Đức Phật dạy chúng ta phải học hạnh “Xả”, ai không xả được sẽ luôn chịu trầm luân khổ ải. Học Đạo phải xa lìa ái dục, bỏ chấp tham sân, xa lìa phiền não, luôn giữ tâm an bình để cuộc sống được an lạc, hạnh phúc.
Cuối cùng, Hòa thượng nhấn mạnh “Mười khổ kinh này dạy về bố thí, giới hạnh, xuất gia, trí tuệ, siêng năng tinh cần, nhẫn nhục nhẫn nại nhu hòa, chân thật, trí nguyện, từ ái và xả bỏ. Nếu chúng ta giữ được đạo tâm trong sạch nhất thì đấy chính là chúng ta đã đến được với Phật và gặp được Phật”. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC