Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 08/06/2016 14:27 PM 
Vĩnh Phúc: Lễ khai pháp hạ trường cơ sở 2 – Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Sáng ngày 07 tháng 06 năm 2016, nhằm ngày 03 tháng 05 năm Bính Thân, chư Tăng Ni hạ trường cơ sở 2 tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc đã long trọng tổ chức lễ khai pháp – khai giảng khóa hạ an cư hạ trường cơ sở II PL2560 – DL2016.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Minh Pháp – Phó BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng BTS GHPGVN huyện Yên Lạc, Chánh Duy Na hạ trường chùa Kỳ Sơn; Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt - Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử BTS GHPGVN Tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Chánh Duy Na hạ trường Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Tam Đảo cùng chư tôn đức Tăng Ni hành giả an cư tại hạ trường.
Về phía chính quyền có: Ông Phan Anh Tuấn – Trưởng phòng dân tộc tôn giáo Ban dân vận Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc; Ông Phan Anh Hùng – Phó Ban tôn giáo I Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cùng quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo và đông đảo quý thiện nam tín nữ Phật tử về tham dự.
Đặc biệt, cũng trong dịp này đang có 250 em khóa sinh nữ từ 11 – 13 tuổi đang tham dự khóa tu mùa hè tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên diễn ra từ ngày 04 – 11/6.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu buổi lễ, Đại đức Thích Thanh Phương - Ủy viên thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tam Đảo đã báo cáo công tác tổ chức lễ khai pháp – khai giảng khóa hạ an cư Hạ trường cơ sở II Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc. Bản báo cáo nêu rõ:
Hạ trường cơ sở II, hành giả an cư được phân nhiếp về 4 chúng:
1.Chúng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
2.Chúng Chùa Vân – Tịnh viện Vân Sơn
3.Chúng Thiền viện Tuệ Đức
4.Chúng Ni Thiền viện An Tâm
Tổng số Tăng Ni hành giả của 2 huyện là 109 vị. 
Hành giả tòng hạ có Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc Hà Nội, Hàm Rồng Thanh Hóa, Trúc Lâm Chính Pháp Tuyên Quang…số lượng: 110 vị.
Ngôi chứng minh hạ trường là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN; Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ - Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm; Hòa thượng Thích Thanh Duệ - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau nghi thức tác bạch cầu Pháp của đại diện chư tôn đức hành giả an cư và lời phát nguyện hộ trì của đại diện Phật tử, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng với chủ đề “Kinh Từ Bi”. 
Kinh Từ Bi là bản Kinh được trích ở Tạng Kinh Tiểu Bộ tập I, bài tụng số 9. Đây là một bản kinh nói về đạo đức học, tính nhân bản chủ yếu nhất của Đạo Phật đó là “Từ” và “Bi”.
Từ Bi là một đạo đức chuẩn mực, một tình yêu thương của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh. Ngài mong tất cả mọi người sống với nhau trong tinh thần từ bi, hiểu và thương nhau. Bởi vì Đức Phật dạy rằng tất cả con người cho tới muôn loài muôn vật đều có Phật tính như nhau không khác.
Từ Bi là một thông điệp truyền tải tình yêu thương trong cuộc sống. Bởi trong xã hội loài người, mỗi người mang một thân phận – một hoàn cảnh sống khác nhau, do đó có sự phân biệt đẳng cấp. Nhưng đối với Phật tính thì bình đẳng như nhất, chỉ vì chúng ta tạo tác nên hành động mà phải chiêu cảm lấy nghiệp báo có khác nhau. Do đó, tạo tác thiện được quả phúc thiện, tạo tác ác chiêu cảm quả báo xấu mà có phân chia ra cao thấp, giàu nghèo, sang hèn. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là nhất thời, nếu chúng ta biết vận dụng lời Phật dạy thì không có sự phân biệt trong giai cấp, giới tính, màu da sắc tộc. 
Hán tạng định nghĩa về Từ Bi “Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc – Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ”. 
Do nhờ uy lực của Tiểu bộ kinh Từ Bi này, mà các hạng quỷ thần dạ xoa không dám hiện hình đáng sợ. Lại nữa, những ai ngày đêm không biếng nhác, hàng tụng đọc bộ kinh này khi đang ngủ hoặc đã ngủ cũng đều được an vui, không nằm mộng thấy sự xấu xa dù chỉ là chút ít”.
Hòa thượng nhấn mạnh “Với uy lực của bản kinh Từ Bi mà Đức Phật dạy, với năng lượng truyền tải sự an lạc, hạnh phúc đối với tất cả mọi người. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh với những ai còn tâm tham, sân, si, oán hận thì khi được nghe bản kinh này sẽ chuyển hóa nguồn mê, khai bến giác ngộ, thì cùng được trở về với bản lai thanh tịnh, với đức tính từ bi sẵn có nơi mỗi con người”. 
Đây là dạng kinh kệ để nhằm mọi người nghe dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đọc, dễ tụng. Hàng ngày chúng ta đọc bản kinh không phải để cho Phật nghe, càng không phải đọc bản kinh để mong cầu theo sự ham muốn, ước mong của mình nhờ vào một tha lực. Đọc kinh hàng ngày, trì tụng gọi là kinh Nhật Tụng để miệng đọc, tai nghe, bụng nghĩ, mắt nhìn, như chư Phật hiện tọa đạo tràng để áp dụng vào cuộc sống. Đấy mới là trì tụng hàng ngày theo tinh thần lời Phật dạy.
Do đó, bản kinh Từ Bi này là bản kinh cô khởi, cô đọng qua các bài kệ. Ở đây có 10 bài kệ nói lên tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui, an lạc cho tất cả mọi người. Hòa thượng đã giảng giải ý nghĩa của 10 bài kệ tới đại chúng, với mong muốn mỗi người hãy thực tập những điều Đức Phật dạy trong bản kinh Từ Bi này để mỗi ngày qua đi đều là một ngày an lành hạnh phúc, cả cuộc sống đều thanh tịnh yên vui.
1.Người hằng mong an tịnh
Nên thể hiện pháp lành
Có khả năng, chất phác
Ngay thẳng và nhu thuần 
Hiền hòa không kiêu mạn

2. Sống dễ dàng, tri túc
Thanh đạm, không rộn ràng
Lục căn luôn trong sáng
Trí tuệ càng hiển minh
Chuyên cần, không quyến niệm

3.Không làm việc ác nhỏ
Mà bậc trí hiền chê
Nguyện thái bình an lạc
Nguyện tất cả sinh linh
Tròn đầy muôn hạnh phúc.

4. Chúng sinh dù yếu mạnh
Lớn nhỏ hoặc trung bình
Thấp cao không đồng đẳng
Hết thảy chúng hữu tình
Lòng từ không phân biệt.

5. Hữu hình hoặc vô hình
Đã sinh hoặc chưa sinh
Gần xa không kể xiết
Nguyện tất cả sinh linh
Tròn đầy muôn hạnh phúc.

6. Đừng lừa đảo lẫn nhau
Chớ bất mãn điều gì
Đừng mong ai đau khổ
Vì tâm niệm sân si
Hoặc vì nuôi oán tưởng.

7. Như mẹ giàu tình thương
Suốt đời lo che chở
Đứa con một của mình
Hãy phát tâm vô lượng
Cùng tất cả sinh linh.

8. Từ bi gieo cùng khắp
Cả thế gian khổ hải
Trên dưới và quanh mình
Không hẹp hòi oan trái
Không giận hờn oán thù.

9. Khi đi, đứng, ngồi, nằm
Bao giờ còn thức tỉnh
Giữ niệm từ bi này
Thân tâm thường thanh tịnh
Phạm hạnh chính là đây.

10. Ai xả ly kiến thủ
Giới hạnh được tựu thành
Chính tri đều viên mãn
Không ái nhiễm dục trần
Thoát ly đường sinh tử.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC