Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 24/05/2016 01:54 AM 
Chùa Tương Mai kính mừng Phật Đản PL2560 – DL2016
Tối ngày 18 tháng 05 năm 2016, nhằm ngày 12 tháng 04 năm Bính Thân, trong niềm hân hoan của hàng triệu người con Phật trên khắp hành tinh đón mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn, tại chùa Tương Mai (Linh Ứng Tự) – phường Tương Mai – quận Hoàng Mai – HN đã long trọng tổ chức lễ Phật Đản PL2560 – DL2016.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Đại đức Thích Nguyên Thanh - Trưởng BTS GHPGVN quận Hoàng Mai cùng chư tôn Đức Tăng Ni trụ trì các chùa, tự viện trong địa bàn quận.
Về phía chính quyền có: Ông Cung Hữu Hòa – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tương Mai; Ông Nguyễn Đình Vinh - Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch HĐND phường Tương Mai; Ông Đào Đức Thảo - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng công an phường Tương Mai cùng quý vị đại diện cho các cơ quan ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử đã về tham dự.
Buổi lễ đã được diễn ra theo nghi thức Phật đản truyền thống trong niềm hoan hỷ vô biên của những người con Phật.
Nhân dịp này, chư Ni quận Hoàng Mai quyết định trao tặng 41 phần quà gửi tặng tới những người khuyết tật và những gia đình nghèo trên địa bàn phường Tương Mai và phường Trương Định.
Sau đó, nhận lời thỉnh mời của Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại về "Ý nghĩa Phật đản" tới toàn thể đại chúng. 
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ về ý nghĩa ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ngày kỷ niệm theo quan niệm Bắc truyền và Nam truyền: “Tất cả chúng ta hôm nay ngồi đây, nên thấy vui mừng bởi chúng ta đang tiếp nối truyền thống của Tổ tiên người Việt, tiếp nối truyền thống ngàn năm văn hiến của Việt Nam, nhưng cũng là ngàn năm văn hiến của Phật giáo Việt Nam. Chúng ta đang kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật, mà ngày sinh này đã đi vào lòng mỗi người công dân đất Việt từ ngàn năm xưa. 
Theo Phật sử của Hán tạng thì Đức Phật sinh vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, theo Nam truyền thì Đức Phật sinh vào ngày trăng tròn của tháng 4, và ngày nay thế giới đang đi theo tư tưởng của kinh điển Phật giáo Nam truyền (Phật giáo Nguyên thủy) giữ nguyên chân giá trị lịch sử cũng như tư tưởng giáo lý trong sáng của Đức Phật. Do đó, ngày lễ hôm nay là ngày kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật: Đản sinh – Thành đạo – Nhập Niết Bàn. Như vậy, chúng ta thấy rằng chúng ta đang đi theo một tôn giáo mà Đấng Giáo Chủ là một con người thực việc thực, có lý lịch rõ ràng, cuộc đời của Ngài rất rõ qua những trang sử vàng về Phật sử mà trong Tam Tạng Thánh Giáo suốt 25 thế kỷ vẫn được xiển dương, và hàng năm cứ vào mùa hạ này thì tất cả những người con Phật trên khắp hành tinh đều đón mừng sự kiện trọng đại. Bắc truyền thì kỷ niệm cuộc đời của Ngài theo 4 giai đoạn khác nhau: ngày Ngài sinh, ngày Ngài rời hoàng cung đi xuất gia, ngày Ngài thành đạo dưới cội Bồ Đề và ngày Ngài nhập Niết Bàn. Tức là theo Bắc truyền lưu lại trong kinh tạng bằng chữ Hán, Ngài sinh vào ngày 8 tháng 4 năm Giáp Dần, và Ngài đi xuất gia ngày 8 tháng 2 năm 19 tuổi, Ngài thành Phật vào ngày 8 tháng 12 năm 30 tuổi, Ngài nhập Niết Bàn vào ngày rằm tháng 2 năm 80 tuổi. Đó là theo Hán Tạng, tính theo âm lịch. Đối với kinh tạng Nam Truyền, giữ nguyên được bản chính thì ngày trăng tròn của tháng 4 kỷ niệm 3 trọng đại là ngày Ngài đản sinh – thành Phật và nhập Niết Bàn. Nhưng dù Nam truyền hay Bắc truyền thì đều truyền tải được một bức thông điệp là ngày ra đời của Đức Phật, là một ngày chư Thiên ca hát, chim hót véo von, người người hân hoan chào đón cùng hoàng triều đón mừng Thái tử gia đời, có những dòng nước nóng – lạnh tắm lên kim thân Ngài. Trong Kinh tạng đã miêu tả rõ điều này, và cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã – đang và mãi mãi thực hành một nghi lễ trân trọng, thiêng liêng đó là nghi lễ tắm Phật”.
Hòa thượng đã ôn lại lịch sử cuộc đời Đức Phật – một con người thực, rời bỏ khỏi những cám dỗ của thế gian để trở thành Bậc Giác Ngộ - vị Thầy của 3 cõi, cha lành của 4 loài. Để rồi “Tuy Ngài nhập Niết Bàn nhưng lời dạy của Ngài vẫn được thế hệ tổ tiên của chúng ta đón nhận, các bậc Tổ sư trên khắp thế giới truyền thừa, và chúng ta hôm nay vẫn được thừa hưởng tinh thần lời dạy của Ngài cũng như biết đến sự nghiệp vĩ đại của Ngài trong 80 năm trụ thế ở thế gian để giáo hóa chúng sinh”.
Đặc biệt, Hòa thượng cũng đã nhắc tới Thông điệp Phật Đản năm nay của Đức Pháp Chủ. Hòa thượng chia sẻ “Đức Đệ Tam Pháp Chủ của chúng ta năm nay đã tròn 100 tuổi nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, sức khỏe vẫn bình thường, Ngài chỉ đạo rất sát sao, thời cuộc trong từng năm”. Cho nên, trong bức Thông điệp năm nay, Ngài đề cao tinh thần đản sinh của Đức Phật, Đức Phật ra đời vì mang lại niềm hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người. Mà loài người đang cần gì thì Đức Pháp Chủ nhắc tới điều đó. Cho nên, chúng ta thấy trong bức Thông điệp, Ngài đã nhắc tới sự kiện trọng đại nhất ngay sau ngày Phật Đản, đó là ngày 22/5 bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, Đức Pháp Chủ đặt vấn đề trọng đại của Quốc gia lên đầu tiên, cũng như tầm quan trọng của con người đối với môi trường và sự biến đổi khí hậu, đề cao việc bảo vệ môi trường. Hai vấn đề này Ngài cho là thời sự. Cho nên trong bức thông điệp đã truyền tải hai vấn đề quan trọng đó.
Mỗi năm, HĐTS cũng có một bài diễn văn như một bài chào mừng về ngày Đản sinh của Đức Phật cũng như nhắc lại những công việc cần làm của Giáo hội trong năm với tư cách là của HĐTS chỉ đạo. Năm nay chúng ta đón mừng bài Diễn văn kỷ niệm Phật Đản PL2560 của Hòa thượng Chủ tịch. Đây cũng là vị Đệ tam Chủ tịch của GHPGVN trong 35 năm của 7 nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, ngay từ năm thành lập Giáo hội đầu tiên, HĐTS cũng quyết định vấn đề trọng đại là tuyên dương chính pháp, và nhiệm vụ trọng trách nhất là Ban hoằng pháp TW phải biên soạn bài giảng về ý nghĩa Phật Đản để làm bài giảng mẫu cho Tăng Ni và Phật tử các tự viện nương vào để biết được ý nghĩa đản sinh của Đức Phật qua từng khía cạnh được trích dẫn trong Kinh – Luật – Luận. 
Năm nay, tiếp nối Hòa thượng tiền nhiệm chính là Đức Phó Pháp chủ GHPGVN hòa thượng Thích Trí Quảng, cũng là để tiếp nối những năm trước đây, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đặt tiêu đề bài “Ý nghĩa Phật Đản” là “Vô ngã, hòa hợp là nền tảng xương minh Giáo hội”. Bởi vì, trong Tam Tạng Thánh Giáo của Đức Phật thì tinh thần vô ngã là một trong những điều căn bản nhất của Đức Phật dạy con người chúng ta, luôn luôn đứng trên tinh thần vô ngã thì nhìn nhận mọi sự việc mới được khách quan, mới như thực tri kiến. Và đặc biệt là tinh thần hòa hợp đoàn kết như trong Kinh Đức Phật đã dạy “Hòa hợp trong Hội họp và Hòa hợp trong Giải tán”. Ông cha ta cũng đề cao tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng đất nước quê hương, xây dựng tổ ấm gia đình bằng câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Chính lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một minh chứng cụ thể nhất. Từ việc quân Nguyên Mông xâm chiếm cho đến thời đại đế quốc Pháp, Mỹ đô hộ, dù kẻ thù có mạnh đến đâu đối với thế giới, thì khi xâm lăng vào đất Việt đều bị thất bại thảm hại. Bởi dân tộc ta có sự đoàn kết hòa hợp. Và Phật giáo của chúng ta cũng vậy. Trong suốt hơn 2000 năm có mặt và hiện hữu trong lòng dân tộc, thì chư tôn đức và Phật tử đã luôn hòa hợp với nhau như nước với sữa, cùng đồng cam cộng khổ, bảo vệ chốn già lam, hoằng truyền chính pháp, cùng nhau xây dựng để gìn giữ Tổ tông. Đặc biệt, dân tộc ta đã có câu về sự đoàn kết “Thầy trò không thể tách rời, sư với vãi như vải với nâu”.
Chính điều đó đã minh chứng, GHPGVN của chúng ta trong quá khứ qua các thời kỳ từ khi đất nước chiến tranh cho tới khi hòa bình, lúc nào Tăng Ni – Phật tử cũng gắn bó với nhân dân, nhân dân che chở nương tựa và bảo về Phật pháp, xây dựng quê hương đất nước, và nội bộ Giáo hội, chư tôn đức cũng là những rường cột để nương tựa cho Phật tử lấy chỗ quy hướng chính tín để tu thân và an trú tâm hồn.
Cho tới ngày hôm nay, Giáo hội đã 35 năm thành lập, phát triển trong tinh thần “kế thừa, ổn định và phát triển” theo phương châm hoạt động nhiệm kỳ VII 2012 – 2017 đã đề ra. Tất cả đều nói lên tinh thần nhập thế của Đạo Phật Việt Nam, kế thừa tinh thần hộ quốc an dân đồng hành của Phật giáo Việt Nam và kế thừa tinh thần hòa hợp của Phật giáo Việt Nam trong lời dạy của Đức Phật đã được mô tả trong Kinh Pháp Cú “Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời – Hạnh phúc thay Giáo pháp cao minh – Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp – Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”.
Vì vậy, Ban hoằng pháp TW đã lấy tiêu đề bài giảng mẫu trong mùa Phật Đản năm nay là “Vô ngã, hòa hợp là nền tảng xương minh Giáo hội”. 
Hòa thượng nhấn mạnh “Tất cả đều do con người của chúng ta. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ là Phật nhưng cũng từ một con người như chúng ta mà thành Phật. Cho nên chúng ta hãy nhìn và suy nghĩ, nhớ về ngày sinh của Ngài, nhìn về cuộc đời của Ngài và lấy cuộc đời của Ngài để soi rọi trong tâm chúng ta và phát nguyện tu hành theo để mang lại lợi ích cho người”.
Cuối cùng, Hòa thượng đã nhắc lại và giải thích cho hàng Phật tử hiểu rõ ràng hơn về 5 điều kiện được ghi lại trong Kinh Phật Sử thuộc Tiểu Bộ Kinh nói về sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hôm nay, cũng như một thông lệ của Đức Phật trong quá khứ và Đức Phật ở tương lai cũng như vậy. Năm điều kiện đó là:
1. Thời kỳ (Kàla): Tuổi thọ chúng sinh thời này không kém 100 tuổi. Do đó, Ngài xuất hiện ở thời kỳ này và tồn tại đến 80 tuổi rồi vào Niết-bàn.
2. Quốc độ (Desa): Ngài chọn Trung Ấn Độ, ở đó có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn luôn là mối đe dọa con người, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.
3. Dòng dõi (Kula): Ngài chọn hoàng tộc Sakya. Vì giáng phàm trong dòng dõi cao quý thì việc hoằng pháp sẽ khế lý khế cơ, do đó sẽ có kết quả tốt.
4. Châu (Padìpa): Loài người đang sống và tồn tại ở bốn châu thiên hạ, Ngài chọn Nam thiệm bộ châu vì nơi này họ dễ dàng lĩnh hội giáo lý, tu hành để thành tựu đạo quả.
5. Cha mẹ (Màtara): Đức Phật là thầy của tam giới nên Ngài phải chọn người có đại duyên, đại nguyện với Ngài trong vô lượng kiếp. Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mahamayadevi), hai vị này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều ngàn kiếp nên Ngài chọn hai vị này làm quyến thuộc.
Kết thúc bài giảng, Hòa thượng mong đại chúng “học lịch sử cuộc đời Đức Phật, chúng ta về đây kỷ niệm ngày sinh của Ngài, chúng ta không phải như một người bình thường mà chúng ta phải tìm được ở Ngài điều gì để chúng ta học được. Chúng ta hãy noi theo tấm gương của Ngài để sống tốt hơn nữa với tất cả những người xung quanh, mang tinh thần thương yêu của Đức Phật, để tất cả đều có thể tiến đến Giác ngộ giải thoát và thành Phật”. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC