Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/10/2015 16:15 PM 
Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng chín năm Ất Mùi
Ngày 18 tháng 10 năm 2015, nhằm ngày 06 tháng 09 năm Ất Mùi, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Ngày tu hôm nay, hàng Phật tử cùng hướng về sự kiện kỉ niệm ngày Đức Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia 19-9. Đúng 7h30', Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật, đăng đàn truyền giới Bát Quan Trai cho hàng Phật tử.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, toàn thể đại chúng đã nhất tâm thành kính, chắp tay búp sen cung thỉnh Thượng tọa Giảng sư Thích Minh Hiền - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó Ban văn hóa TW GHPGVN, Trưởng Ban văn hóa GHPGVN Thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Hương có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng với chủ đề "Hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong văn học Phật giáo". Nhân chuẩn bị kỷ niệm ngày vía đức Bồ Tát Quan Âm, Thượng tọa giảng sư đã giảng giải về hạnh nguyện của Ngài qua tác phẩm văn học Nam Hải Quan Âm tức Phật bà chùa Hương. Đây là bản kinh tiếng việt về bồ tát quán âm, gồm 1448 câu thơ lục bát, chia làm 29 chương.
Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là vượt khỏi trầm luân mọi loài.
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
Rằng trong bể nước Nam ta
Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, sau đó được truyền bá rộng rãi sang các nước lân cận, nhưng khi sang đến các nước khác, Phật giáo tiếp xúc với nền văn hóa sở tại và được bản địa hóa, trở nên phong phú hơn, phù hợp hơn với từng nền văn hóa khác nhau. Tín ngưỡng Quán Thế Âm sau khi được bản địa hóa kết quả là đạo tràng của Ngài cũng được chuyển đến các nước Đại thừa Phật giáo.
Tại Việt Nam, đạo Phật cũng được du nhập từ khá sớm với nhiều con đường khác nhau, trong đó Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ Trung Quốc. Như đã nêu trên, vùng Giao Chỉ (tức Việt Nam) vốn nằm trong khái niệm về “Nam Hải”, vậy nên tín ngưỡng về “Quán Âm Nam Hải” theo đường biển cũng đã được du nhập vào Việt Nam. 
Giáo lý từ bi và hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm được khởi nguồn từ Ấn Độ, nhưng sau khi được “bản địa hóa”, hình ảnh của Ngài đã phù hợp hơn với văn hóa, tâm tình của người Việt Nam, và một trong những phương tiện giáo hóa có tác dụng sâu rộng và gần gũi nhất với người dân đó là những câu ca dao, những câu truyện nôm về đạo Phật. Điều đó cũng được chứng minh qua sự lưu truyền của truyện “Phật bà chùa Hương,” gần gũi hơn với người dân Việt Nam chúng ta.
Giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII - XIX là giai đoạn phong kiến Việt Nam với những hệ tư tưởng hết sức phức tạp và đầy mâu thuẫn. Giai đoạn diễn ra các cuộc nội chiến, tranh dành quyền lực của các thế lực phong kiến. “Chuyện công chúa Diệu Thiện mang giá trị quốc gia, biểu tượng về sự hy sinh của một công chúa cho đất nước. Do đó câu chuyện này được tầng lớp có học hưởng ứng mạnh mẽ trong xã hội Việt thế kỷ XVII - XVIII, và được phổ quát thành những bộ kinh. Chuyện này cũng thích ứng với xã hội Việt lúc bấy giờ, khi các công chúa, bà hoàng qui y Phật pháp khá đông. Tinh thần này là sự tiếp nối truyền thống của các tấm gương như Linh Nhâm, Ỷ Lan thời Lý. Sự nương tựa vào tư tưởng hòa bình, nhân ái có thể xem là tinh thần Phật giáo để có được một quốc gia hùng mạnh. Còn chuyện Quan Âm Thị Kính có thể xem như sự biểu dương tinh thần nhẫn nhục chịu đựng để hy vọng có được sự cứu rỗi trong tương lai. Bà là tấm gương để dân gian có thể trông cậy hay tạo dựng một niềm tin trong bối cảnh xã hội lầm than loạn lạc và nội chiến.”
Chuyện Công chúa Diệu Thiện không chỉ là tấm gương, mà còn là câu chuyện hàm chứa tinh thần cứu khổ vô biên. Nó được thể hiện ra trong các trường đoạn mô tả việc bà Diệu Thiện xuống địa phủ được chứng kiến những tội nhân vì mắc lỗi trên trần thế, mà bị đọa đày. Việc Diệu Thiện xin với Diêm Vương xá tội cho các linh hồn bị giam cầm có thể xem là biểu hiện của tấm lòng đại từ, đại bi. Sự phổ biến của hai câu chuyện này như một sự tương hỗ lẫn nhau, khuyên con người nên tu nhân tích đức, để tự giải thoát mình, nhưng đồng thời các tầng lớp trên sẽ cứu độ nhân gian thoát khỏi khổ ải. Chúng tạo nên sự cứu cánh về tinh thần trong xã hội Việt Nam.

Từ câu chuyện này có thể thấy rằng Phật giáo Việt Nam vào các thế kỷ XVIII, XIX hình tượng Quan Âm trong bối cảnh văn hóa dân gian đã ít nhiều tạo nên sự dung hòa giữa các hệ tư tưởng xã hội. Tinh thần chung nó vẫn là lý tưởng Bồ Tát đại từ, đại bi, giáo hóa độ lượng nhân gian. Các truyền thuyết dân gian này đã bổ sung cho sự phát triển của Phật giáo chính thống, sự phổ biến của kinh sách, sự hoằng dương của các thiền sư, tạo nên những giá trị nhân bản của đạo Phật Việt Nam.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Thượng tọa Giảng sư, toàn thể đạo tràng đã cùng tụng thời kinh Phổ Môn cầu quốc thái dân an dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì và chư đại đức tăng bản tự.
 
 
 
 
 

Buổi trưa, đại chúng cùng thực hành nghi thức Cúng Quá Đường, dùng bữa trong chính niệm tỉnh thức. 
 
 
 
 
 
 
 
  
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC