Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 27/09/2015 00:12 AM 
Khai mạc khóa tu Bồ Tát Hạnh lần II tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc
Nhằm đáp ứng nhu cầu học Phật và tu thiền của các Phật tử theo tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc - phường Cự Khối - quận Long Biên - HN đã tổ chức Khóa tu Bồ tát hạnh Lần 2 trong 3 ngày 13-15 tháng tám năm Ất Mùi ÂL ( 25-27/09/2015).
Tối ngày 25 tháng 09 năm 2015 (nhằm ngày 13 tháng 08 năm Ất Mùi), tại Thiền viện đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc khóa tu dưới sự chứng minh của: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thông Quán, Thượng tọa Thích Thông Đạt - Trưởng lão Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc; Đại đức Thích Tâm Thuần - Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Trưởng Ban tổ chức khóa tu cùng chư tôn đức Tăng Ni Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc và sự tham dự của gần 300 thiền sinh đăng ký tham dự khóa tu.

 
 
 
 
 

Trước khi bước vào buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng của Thiền viện Sùng Phúc thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật, khai mạc khóa tu Bồ Tát Hạnh lần thứ II năm 2015.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu buổi lễ là nghi thức tác bạch cầu Pháp của đại diện các Phật tử tham dự khóa tu Bồ Tát Hạnh lần thứ II này. 

 
 
 
 

Tiếp đó là lời phát biểu khai mạc của Đại đức Thích Tâm Thuần, giảng giải về ý nghĩa của Khóa tu Bồ tát hạnh với việc thực hành miên mật tu tập trong 3 ngày thông qua bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi: "Mong rằng khóa tu Bồ Tát Hạnh lần thứ II này, các Phật tử nỗ lực tinh tiến, giữ gìn Thân - Miệng - Ý được trang nghiêm thanh tịnh. Tâm ý là tâm ý của Bồ Tát, lời nói phát ra là lời nói của Bồ Tát, và hành động trong oai nghi đi đứng của một vị Bồ Tát. Mỗi điều đều phát huy trọn vẹn Tâm hạnh của Bồ Tát, và Bồ Tát chính là đức hạnh Từ Bi Hỷ Xả, tâm vô ngã vị tha. Từ lâu nay, học hiểu và biết rõ mọi thứ là vô thường, phát huy trí tuệ, cái nhìn của Bồ Tát để thực sự chứng nghiệm được vô thường, có được phần tự tại được với những duyên thuận nghịch được mất trong cuộc sống, góp phần tự tại được với sinh già bệnh chết".

 
 
 
 

Đại đức Thích Tỉnh Thiền - Phó ban tổ chức khóa tu đã thay mặt Ban tổ chức, phổ biến nội quy tu học trong khóa tu Bồ Tát Hạnh lần thứ II năm 2015 tới toàn thể thiền sinh.

 
 
 

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng. Lời đầu tiên, Hòa thượng đã tán thán công đức của Thượng tọa trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc bởi lẽ "là một vị Tăng nhưng luôn luôn hành Bồ Tát Đạo, dấn thân tất cả mọi công việc Phật sự nơi mình trụ trì. Nào là lo cho Tăng Ni an cư, tu học hàng ngày, nào là lo cho Phật tử các giới có nơi tu tập". Sau đó, Hòa thượng đã giảng giải cho các thiền sinh hiểu được mục đích của khóa tu, và ý nghĩa của cái tên khóa tu - Bồ Tát Hạnh: "Bồ Tát phiên âm sang chữ Hán là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch là Hữu Tình Giác, sau đó là Giác Hữu Tình. Bồ Tát là từ hữu tình (chúng sinh) mà đi lên. Tu nhân hạnh rồi lên thành Bồ Tát, và khi thành Bồ Tát rồi thì trở lại độ hữu tình. Cũng như chư Phật, mỗi vị Bồ Tát đều có một nguyện khác nhau để độ chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm nguyện nếu cõi Ta Bà này còn một chúng sinh nào kêu khổ thì ta thề không thành Phật. Ngài dùng tuệ nhãn của mình để quán sát tiếng kêu khổ ở đời mà độ cho hết thảy chúng sinh, và từ đó Bồ Tát hiện ra nghìn mắt nghìn tay. Nghìn mắt để thấy rõ nỗi khổ của chúng sinh, nghìn tay để cứu vớt cho chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm độ cho chúng sinh thoát khỏi 7 cái nạn, nhổ cho chúng sinh ra khỏi 3 tên độc, ban cho chúng sinh 2 điều vui. Bồ Tát Quán Thế Âm bằng mắt thương yêu đời mà có tên là Quán Thế Âm. Bồ Tát Địa Tạng thì thệ nguyện rằng chúng sinh độ hết mới chứng đạo Bồ Đề, địa ngục nếu còn ta thề không thành Phật. Bồ Tát Địa Tạng có tâm từ như Đất. Đất ban cuộc sống cho con người, nhưng con người luôn dẫm đạp lên đất, ngồi lên đất, nằm lên đất, đổ đồ nhơ lên đất mà đất không hề sân hận. Cho nên, Bồ Tát là như vậy. Trong Kinh Pháp Hoa cũng có vị Bồ Tát Thường Bất Khinh, đi đâu cũng chỉ nhắc cho mọi người một điều đừng để quên mất Phật tính của mình, tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều là Phật cả. Nhưng chúng sinh thì không hiểu, vẫn cầm gậy đuổi, lấy gạch ném. Ngài vừa chạy vẫn vừa coi những chúng sinh đó là Phật, còn Ngài chỉ là Phàm phu. Cho nên tôi muốn nói, mỗi một vị Bồ Tát đều lập cho mình một nguyện và cái nguyện đó sẽ là tên của vị Bồ Tát đó. Cho nên Bồ Tát không xa lạ ở đâu, mà ở ngay cạnh mỗi chúng ta. Còn chữ Hạnh, tôi gợi ý các hành giả, mỗi chúng ta hãy lập một hạnh nguyện gì đó và đặt cho mình cái tên ứng với hạnh đó, để hành xử ứng với đúng hạnh nguyện đó. Vậy Bồ Tát trước nhất tu cái gì, các vị phải học được ở Bồ Tát là lấy Lục Độ làm đầu. Thanh Văn tu Tứ Đế, Duyên Giác tu Thập Nhị Nhân Duyên, Bồ Tát tu Lục Độ". Qua đó, Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng về tinh thần Lục Độ Ba La Mật, đó là: bố thí, trì giới, tinh tiến, thiền định và trí tuệ. Đặc biệt là hạnh bố thí chính là hạnh đứng đầu. Qua đó, Hòa thượng mong rằng mỗi thiền sinh không chỉ tu tập và giác ngộ cho mình mà cần noi gương hạnh các vị Bồ tát lập hạnh nguyện độ sinh và cố gắng thực hiện, không chỉ trong khóa tu mà là cả cuộc đời mình.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC