Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 24/08/2015 00:42 AM 
Ngày tu tập thứ hai an lành trong tinh thần tri ân – báo ân
Ngày 23 tháng 08 năm 2015, nhằm ngày 09 tháng 07 năm Ất Mùi, bước sang ngày tu tập thứ hai của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ V tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự), gần 300 khóa sinh đã có một ngày an lạc nơi chốn thiền môn, được hòa mình trong không gian thanh tịnh, sống chậm lại để nhìn nhận chính mình, gác lại mọi buồn lo của cuộc sống thường ngày, được tụng kinh, được lắng nghe những thời pháp thoại ý nghĩa về Đạo hiếu do quý Thầy truyền trao.
Ngay từ 5h00 sáng, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm và chư tôn đức Tăng bản tự, các bạn khóa sinh đã trang nghiêm thanh tịnh tụng thời kinh Dược Sư cầu nguyện cho đất nước hòa bình, nhân dân được an lạc, gia đình hạnh phúc hòa thuận.

 
 
 
 
 
 
 
 

Đúng 8h00, ba hồi chuông trống bát nhã trầm hùng ngân vang, ban nghi lễ cung rước Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại tới các bạn Thanh thiếu niên trẻ với chủ đề “Bốn phương cách ứng xử trong cuộc sống”.
Trong bài giảng, Hòa thượng chia sẻ bốn phương cách ứng xử trong cuộc sống đó là: 
-Đối với người bề trên thì kính quý (đối thượng dĩ kính)
-Đối với người bên dưới thì thương yêu (đối hạ dĩ từ)
-Đối với mọi người xung quanh thì hòa thuận (đối nhân dĩ hòa)
-Đối với các công việc thì phải chân thực (đối sự dĩ chân)
Hòa thượng nhấn mạnh “Đây là bốn phương cách mà bất kể con người chúng ta, nam – nữ - già – trẻ - gái – trai – màu da – sắc tộc – tôn giáo đều phải thực hành. Đây là bốn nguyên tắc trong cuộc sống của con người. Và nguyên tắc đó sẽ làm cho chúng ta sát lại gần nhau, yêu thương nhau. Người trên không nhìn người dưới bằng con mắt khinh thường, người dưới đối với người trên không sợ hãi, bạn bè yêu thương nhau, trong cuộc sống thầy trò tin tưởng lẫn nhau, trong gia đình vợ chồng tin tưởng nhau, trong xã hội thủ trưởng và nhân viên cũng đều tin yêu nhau.”.
Từ đó, Hòa thượng mong rằng "Hôm nay, mùa tu Vu Lan, để báo hiếu ơn cha mẹ, ơn ông bà, ơn Tổ tiên, và báo đáp rộng hơn là bốn ơn: ơn Tam Bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ thầy cô và ơn đàn Việt. Thầy tặng các bạn bốn phương cách ứng xử trong cuộc sống này, để dù ở đâu, dù như thế nào, vượt qua biên giới - màu da - sắc tộc - tôn giáo, chúng ta đều có được cuộc sống thật an lành".

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, các bạn khóa sinh đã cùng tụng thời kinh A Di Đà cầu nguyện cho Tổ tiên ông bà cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp được siêu sinh Tịnh Độ, cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ.

 
 
 
 
 

Đầu giờ chiều, các bạn khóa sinh đã vân tập về giảng đường để lắng nghe Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN chia sẻ, giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của các bạn về những vấn đề xoay quanh Đạo Phật và cuộc sống. Có những câu hỏi rất hay được các bạn đặt ra như “Ta là ai? Nhân duyên là gì? Hạnh phúc là gì?”v.v… đã được quý Thầy giải đáp rất thực tế, qua giáo lý Phật Đà để chia sẻ cùng các bạn khóa sinh về cách nhìn nhận của Đạo Phật với những vấn đề trong cuộc sống.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bạn khóa sinh chụp ảnh lưu niệm cùng Hòa thượng trụ trì

 
 
 
 
 

Buổi tối cùng ngày, nằm trong chương trình của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ V năm 2015, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự đã trang nghiêm trọng thể tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL2559 – DL2015. 
Mỗi độ Vu lan về, hình ảnh thân thương của cha mẹ lại hiện lên trong trái tim của những người con hiếu hạnh. Gia đình nào cha mẹ sống đạo đức làm gương mẫu cho con cái, con cái sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thì gia đình đó thực sự là hạnh phúc. 
Vì thế, mùa Vu Lan năm nay, chùa Bằng long trọng tổ chức đại lễ để làm sống dậy truyền thống hiếu kính của ngàn xưa. 
Đúng 19h30’, ba hồi chuông trống bát nhã vang lên, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm chắp tay búp sen, cất cao tiếng niệm Phật cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài để chứng minh buổi lễ.
Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục
Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng bản tự.
Về tham dự buổi lễ còn có đông đảo nhân dân, tín đồ Phật tử gần xa gần 300 khóa sinh trong khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ V.

 
 

Mở đầu chương trình là những ca khúc hát về Cha – về Mẹ chan chứa niềm yêu thương, ngập tràn cảm xúc ngày Vu Lan do các ca sĩ và các bạn Thanh thiếu niên Phật tử trình bày dâng lên cúng dường Đấng Từ Phụ.


  
  
  
  
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Phật tử Diệu Tường đã đọc bài “Ý nghĩa Hoa hồng mùa báo hiếu”. Trong tiếng nhạc bài “Lòng mẹ” da diết, sâu lắng, toàn thể đại chúng đều không thể nén nổi niềm xúc động khôn nguôi, những hình ảnh về cha mẹ đang ùa về trong trái tim mỗi người, để rồi đâu đó những gương mặt đượm buồn, ánh nhìn chất chứa những nỗi nhớ niềm thương tới đấng sinh thành, và cả những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn ngào vang lên từ tâm khảm…
“Bông hồng con cài áo hôm nay là cả một hành trang
Để con biết rằng mình hạnh phúc biết bao vì vẫn còn có mẹ
Mùa báo hiếu về rồi mẹ ơi, nơi này con lặng lẽ
Gửi về mẹ
Cả một bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương!”

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ và cũng là đặc trưng của ngày Vu Lan, đó là nghi thức cài hoa hồng. Những bông hoa đã được các bạn trẻ mang đến cài lên ngực áo từng người tham dự buổi lễ. Mỗi màu hoa mang một ân tình riêng. Màu hoa đỏ dành cho những ai may mắn, diễm phúc còn đầy đủ cha mẹ trên đời để yêu thương, chăm sóc. Màu hoa hồng dành cho những ai đã mất mẹ hoặc cha. Cả hai màu hoa như nhắc nhở mỗi người hãy biết yêu thương, kính trọng hai đấng sinh thành khi chúng ta còn cơ hội để làm điều đó. Còn những bông hoa trắng để chia sẻ với những ai mang nỗi đau vì không còn cha, còn mẹ, màu hoa trắng như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà sống sao cho tốt, cho phải với ơn sinh thành dưỡng dục của đấng song thân.

 
 
 
 

Kính dâng Người bậc áo nâu giản dị
Đóa hồng vàng tươi thắm ánh từ quang
Đem đạo pháp đến khắp chốn nhân gian
Rưới suối từ cho chúng sinh an lạc

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, toàn thể đại chúng đã một lần nữa lắng đọng tâm tư, nghẹn ngào xúc động trong nghi thức “Dâng trà” của chư tôn đức và các bạn khóa sinh.
 Trước bàn thờ Phật và bàn thờ Tiên tổ, Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng và đại diện Phật tử đã quỳ trước Phật đài, dâng trà cảm niệm tri ân tới Tứ Trọng Ân.
Chén trà trong hai tay
Chính niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây

 
 
 
 
 
 
 
 

Cũng trong tinh thần tri ân và báo ân, đại diện hàng đệ tử xuất gia thay mặt bốn chúng đệ tử của Hòa thượng trụ trì cũng đã dâng lên chén trà cảm niệm ân đức sâu dày của người Thầy – người Cha trong ngôi nhà Đạo Pháp đã giáo huấn, dạy dỗ nên giới thân tuệ mạng ngày hôm nay.
Sau đó, các bạn nữ đại diện cho các khóa sinh – cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính quỳ trước các bà, các bác, các chú – là những bác công quả, những người giữ an ninh trật tự của khóa tu, là những người đáng tuổi cha – tuổi mẹ, để dâng lên chén trà bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.
Giây phút ấy, các bạn đã hiểu được: Làm người sống trên đời, không thể nào được phép quên chữ Hiếu, chữ Nghĩa và tinh thần Tứ Ân cao cả, phải biết tri ân, báo ân không phải chỉ là một ngày, mà là cả một đời người. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo. 
Cuối cùng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ nhắc lại cho đại chúng về tấm gương hiếu hạnh của Đức Thế Tôn - bậc Thầy của ba cõi, cha lành của bốn loài và của Ngài Mục Kiền Liên - một trong mười vị Đại đệ tử của Đức Phật được mệnh danh là Thần Thông Đệ Nhất. Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh "Trong 49 năm thuyết pháp, Đức Phật đề cao tinh thần của cha mẹ, Ngài dạy rằng Con người ta sinh ra ở đời, nếu không được gặp Phật mà biết hiếu kính với cha mẹ thì người đó đã được gặp Phật. Trong Kinh điển, Ngài cũng dạy rằng Cha mẹ ở đời như Phật tại thế, Cha là Phật Thích Ca - Mẹ là Phật Di Lặc. Người con có hiếu vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, đi khắp năm châu hoàn cầu này, tìm những món ngon nhất dâng cha mẹ, tạo điều gì vui nhất làm cha mẹ vui thì người con đó cũng chưa thể báo đáp được hết ân sâu của cha mẹ. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2000 năm có lẻ trước đây, tinh thần hiếu đạo đó gặp đạo đức hiếu kính cha mẹ của người Việt, ông bà cha mẹ dạy con cái rằng Cây có cội, nước có nguồn, công cha như núi Thái Sơn - nghĩa mẹ như nước trong nguồn xảy ra - Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con. Vậy là tư tưởng, quan điểm của Đức Phật về chữ Hiếu cùng với tinh thần hiếu đạo của người Việt đã tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt. Đó là con phải biết kính vâng cha mẹ, cha mẹ phải làm tròn trách nhiệm thiên chức với con cái. Dân tộc ta mấy ngàn năm qua, từ vua Hùng dựng nước cho tới ngày nay đều lấy chữ Hiếu làm trọng. Cha mẹ luôn bất diệt. Cha mẹ khuất là khuất thân hình, còn tinh thần và khí phách của cha mẹ vẫn luôn bên con. Vậy nên Tổ tiên ta mới dạy Con đâu cha mẹ đấy. Cha mẹ không bao giờ bỏ rơi con, con không bao giờ có thể thiếu vắng được cha mẹ. Dân tộc và Phật giáo chọn một ngày để vâng kính thờ cha mẹ, ngày đó phải là ngày đẹp nhất, an lạc, hạnh phúc, ấm no nhất, và đã chọn được Mùng 1 tết cha - mùng 2 tết mẹ - mùng 3 tết thầy. Phật giáo quan niệm ơn thứ 3, ơn cha mẹ sinh thành ra ta, nhưng ơn thầy cô dạy bảo cho ta nên người bằng trí tuệ, và ơn thầy tế độ cho ta ra khỏi biển thẳm sông mê. Vậy nên Sư trưởng giáo huấn tri ân - phụ mẫu sinh thành tri đức chính là như vậy....".
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC