Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 30/07/2015 10:58 AM 
Hà Nội: Ngày thứ hai của khóa tập huấn Hoằng Pháp Viên
Như tin đã đưa, hôm qua ngày 25 tháng 07 năm 2015, Ban Hoằng Pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Ban hướng dẫn Phật tử GHPGVN Thành phố Hà Nội đã khai mạc khóa tập huấn Hoằng Pháp viên cho hơn 100 cư sĩ Phật tử đã học xong lớp giáo lý nâng cao và các vị chúng trưởng, chúng phó các Đạo tràng tu học trên địa bàn thành phố.

Cũng trong ngày khai mạc này, đại chúng đã được nghe bài giảng đầu tiên của Thượng tọa Thích Chiếu Tạng với chủ đề "Tư tưởng Kinh Pháp Hoa".

Hôm nay ngày 26 tháng 07 năm 2015, nhằm ngày 11 tháng 06 năm Ất Mùi, cũng là ngày thứ hai của khóa bồi dưỡng tập huấn Hoằng Pháp viên, tại Trụ sở BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội - chùa Bà Đá - số 3 phố Nhà Thờ - phường Hàng Trống - quận Hoàn Kiếm - HN, hơn 100 cư sĩ Phật tử đã được học về "Giới luật Phật giáo" qua bài giảng của Đại đức Thích Đức Thường - Trưởng Ban pháp chế GHPGVN Thành phố Hà Nội.

Trong bài giảng, Đại đức đã nêu lên những tấm gương trong Phật giáo về đời sống phạm hạnh và sự chuẩn mực khuôn mẫu trong tu tập, hành trì giới luật. Qua đó, nhằm khuyến tấn hàng Phật tử phải biết tu - tu là để sửa đổi những hành vi, tập tính từ cử chỉ, hành động, việc làm cho đến những ý nghĩ của chúng ta. Nghĩ và làm đều phải thiện. Mỗi chúng ta thường bản ngã rất lớn, khi chúng ta làm điều gì đều có mục đích, còn tinh thần của Đạo Phật thì khi hành Bồ Tát đạo phải vô tư trong sáng, phải phát Tâm Bồ Đề cởi mở hòa nhã, vì lợi ích của hết thảy chúng sinh, có vậy công đức mới được tăng trưởng. Đại đức nhấn mạnh "Chúng ta là bậc phàm phu, vì vậy ngày ngày phải tu tập, hành trì giới luật đã thụ trì, để đoạn trừ các lậu hoặc, các phiền não, không thể nó thâm nhập vào ta nữa, không có bụi nào bám thì đài gương mãi sáng - tức là phải để cho Phật tính trong mỗi con người được sáng tỏ lên".

Bởi lẽ đó, Giới luật chính là điều rất quan trọng trong đời sống tu tập của hàng Phật tử dù tại gia hay xuất gia. Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn. Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta. Trong kinh Di Giáo, trước khi vào Niết bàn, đức Phật khuyên các thầy Tỳ kheo: "Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các Tỳ kheo phải lấy Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới luật) làm Thầy cũng như ta còn tại thế. Nếu ta còn tại thế mà Tỳ kheo các ông không y theo giới Ba-la-đề-mộc-xoa thì cũng như ta đã diệt độ". 

Vì thế, trong Phật giáo, ngay từ khi mới bước vào làm đệ tử của Đức Phật, chúng ta đã phải thụ trì Tam quy và Ngũ giới. Ngũ giới đó là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Đó chính là 5 giới cơ bản, là điều kiện giúp mỗi người có một cuộc sống an lạc, giải thoát. Nếu cuộc sống này ai cũng giữ được 5 giới căn bản này, thì xã hội sẽ yên bình, không còn cảnh loạn lạc đao binh, không còn cảnh cướp của giết người hay những tệ nạn xã hội..v.v....

Đạo đức Phật giáo được xây dựng trên nền tảng giới luật, mà giới luật đó được xác định là mang lại hạnh phúc đích thực cho con người; giới luật ấy lại ra đời từ thực tiễn đời sống. Chính vì vậy, nó mang giá trị phổ quát và hết sức thiết thực.

Một người Phật tử giữ gìn giới luật không phải là tuân thủ những giáo điều khô cứng mà giữ gìn giới luật là nhằm hướng thượng hành vi của mình, thanh lọc thân tâm, khiến người đó dễ dàng nhận ra giá trị đích thực cuộc đời. Từ đó, mang đến niềm vui, tin yêu và hy vọng. Trong khi hành trì giới luật mà ta không có hạnh phúc là anh ta đã lạc vào “giới cấm thủ”. Vì thế ta cần điều chỉnh lại cho phù hợp với tinh thần giới luật.

Hơn nữa, Đại đức Thích Đức Thường cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của pháp môn niệm Phật - là pháp môn tu tập dễ tu dễ chứng, không phân già trẻ gái trai, nhưng điều cốt yếu trong pháp môn niệm Phật đó là: "Ta niệm Phật để thấy được Phật tính trong ta, niệm để nghe Phật trong ta, để tâm ta hòa vào tâm Phật, ta sẽ thấy ngay cực lạc ở chốn nơi đây. Khi chúng ta đặt niềm tin trọn vẹn vào nơi Tam Bảo, tinh tiến tu hành, nhất tâm trì niệm danh hiệu Đức Phật, buông bỏ vạn duyên, tâm ta sẽ không bị loạn động".

Từ đó, Đại đức mong rằng mỗi Phật tử chúng ta phải biết tinh tiến tu tập từng ngày từng giờ, luôn giữ Tâm Bồ Đề thật kiên cố, luôn giữ ba nghiệp thật thanh tịnh, hơn nữa phải biết giữ và hành trì Giới luật, từ năm giới đến bát quan trai giới cho đến Bồ Tát giới. Có như vậy, cuộc sống mới được an lạc, hạnh phúc.



BBT website

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC