Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 13/04/2015 22:01 PM 
Đại giới đàn Hà Nội: Ngày hành sám thứ 4 và thứ 5
Tiếp tục chương trình của Đại giới đàn Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2015, nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất Mùi, toàn thể Giới tử đã vân tập về Giảng đường chùa Bằng (Linh Tiên tự) lắng nghe thời pháp thoại Giáo giới về “Tổng quan về Giới luật Phật giáo” của Đại đức Thích Minh Tín – Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội.
Trong bài giảng, Đại đức đã giới thiệu và danh xưng, nguồn gốc, nội dung cơ bản của Giới luật, vị trí của Giới luật trong Phật pháp và tinh thần căn bản của Giới luật.
1.Danh xưng giới luật
Giới luật có nhiều tên gọi. Căn cứ vào tiếng Phạm thì ít nhất có 3 tên gọi:
-Thi La (Sila): Nghĩa gốc là thanh lương. Trung Quốc dịch là giới. Đây đứng về mặt thể (nhân), để nói lên tính chất của giới là phòng ngừa, ngăn chặn.
-Tỳ nại da (Tỳ ni da) gọi tắt là Tỳ ni: Trung Quốc dịch là Luật, với nghĩa xử đoán khinh-trọng (định tội nặng-nhẹ), chỉ rõ hành vi: khai (mở)-gia (cấm)-trì (nên làm)-phạm (vi phạm). Đây là đứng về mặt công năng hiệu dụng mà gọi tên.
-Ba la đề mộc xoa: Trung Quốc dịch là xứ xứ giải thoát hay biệt giải thoát. Do thụ giới, hành trì giới luật mà có được lợi ích cụ thể (giải thoát). Như vậy đứng về mặt kết quả thực tiễn mà gọi tên.
-Giới luật: Danh xưng thường dùng thì có ba, thực tế ý nghĩa thông nhau, nên gọi chung là giới luật. Ngoài những dang xưng trên còn có những tên gọi khác như: Chế giáo, Học xứ...tất cả đều là căn cứ vào tính chất hoạc công năng mà định danh, và nói chung cũng không ngoài phạm vi giới luật. 
2.Nguồn gốc giới luật
-Đứng về phương diện tục đế (lịch sử): Tuy nói giới luật do Phật chế định, nhưng thực sự Phật chỉ là người điều hướng đệ tử Phật về với quỹ đạo bản tính thiên nhiên mà thôi. Nếu chúng đệ tử thuần khiết thì chẳng cần đến Phật chế giới làm gì. Giống như chiếc áo nếu lành thì chẳng ai lại vá lên miếng vá, có rách mới cần phải vá. Trong Luật tạng vẫn nói: Đức Phật vì bảo hộ Phật pháp muốn khiến cho trụ lậu dài ở thế gian, cho nên chế định giới luật.
-Đứng về phương diện sâu xa của pháp môn: Giới luật chính là pháp môn do Cổ Phật truyền lại. Phật Thích Ca thị hiện ra đời ở thế giới Sa Bà này cũng là kế thừa giới luật của Cổ Phật, cho nên tinh thần giới luật là nhất quán.
Cụ thể: 
-Cá thể: Đối với mỗi Tăng nhân giúp họ đoạn phiền não, chứng Niết- bàn 
-Chỉnh thể: Giới luật dùng để nhiếp thâu Tăng chúng. Duy trì sự thuần khiết của Tăng đoàn: Tăng nhân thanh tịnh thì Tăng đoàn thanh tịnh. Vì sự trường tồn của Phật pháp: Tăng là một trong 3 viên ngọc báu. Phật pháp trường tồn do Tăng già thanh tịnh. 
3.Nội dung cơ bản của giới luật
-Đứng về tinh thần giới luật, thì chia hai giới luật Đại thừa và giới luật Tiểu thừa.
Giới Tiểu thừa: Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập giới...
Giới đại thừa: Bao quát ở Tam tụ tịnh giới. 
Nhiếp luật nghi: Hành trì giới luật, uy nghi.
Nhiếp thiện pháp giới: Tu hành những pháp môn Phật giáo 
Nhiếp hữu tình giới: Chính là hóa độ chúng sinh. 
-Đứng về phạm vi cá thể Tăng nhân và chỉnh thể Tăng đoàn thì chia 2 loại: Chỉ trì, tác trì.
Chỉ trì: phương diện cá nhân tu trì. Cụ thể là các giới điều.
Tác trì: hành sự chủ yếu, quy định chế độ trong Tăng đoàn, quy định sinh hoạt, y phục, ăn uống, cư trú của Tỷ khiêu...đây là trọng điểm của tổ chức tịnh hóa.
4.Vị trí của giới luật trong Phật pháp
-Đứng về mặt tu hành: Toàn bộ Phật pháp không ngoài: Giới-Định-Tuệ ba môn học vô lậu. 
-Đứng về mặt công dụng giới luật chính là thân Phật. Khi Phật tại thế thì Phật lãnh đạo giáo đoàn. Khi Phật nhập diệt thì giới luật dẫn dắt giáo đoàn. Giới luật còn thì Phật thân còn.
-Đứng về mặt ý nghĩa: Giới luật là nền tảng nhập đạo, cội gốc của công đức.
Đương nhiên tuệ học là then chốt đoạn trừ phiền não giải thoát sinh tử. Nhưng cơ sở lại ở giới luật. Có thụ giới có trì giới có học giới mà mới có sự thăng tiến trong Phật pháp.
Kinh Anh Lạc Bản Nghiệp nói: Hết thảy chúng sinh mới vào biển Tam Bảo lấy tin làm gốc, ở trong nhà Phật pháp lấy giới làm đầu...Tu học Phật pháp cần có giới, dù đi vào xã hội hay gánh vác đoàn thể nào đi nữa ...giới là trụ xứ của tất cả các căn lành.
Kinh Đại Niết- bàn nói: Ba la đề mộc xoa là đại sư của các vị như ta ở đời không khác.
Phật giáo kiến lập trên nền tảng giới luật. Giới luật là cơ sở của Phật giáo. Các môn học định tuệ khác đều là kiến trúc thượng tầng của nó. Nếu cơ sở này lung lay thì toàn bộ Phật giáo nguy cơ sụp đổ.
Tính quan trọng của việc trì giới: Có thể nói thẳng rằng việc hưng thịnh của Phật pháp chính là ở nghiêm trì giới luật chứ chẳng phải ở hoằng pháp, thuyết pháp...Đệ tử Phật không tuân trì giới luật thì trực tiếp liên quan đến sự hưng vong của Phật giáo cũng như Phật pháp. Khi Phật còn tại thế Thiên ma ba tuần đủ cách này nọ phá hoại Phật pháp, nhưng Phật chẳng quan tâm. Sau Thiên ma ba tuần nói với Phật: “Đợi thời Mạt pháp ta sẽ cho con cháu ta tới mặc Ca sa làm các đệ tử ngài, tới thuyết pháp giảng kinh để phá hoại Phật pháp”. Khi ấy đức Phật rơi lệ. Nói rằng: “Đời Mạt pháp Ma thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. 
Giới luật là sợi dây liên kết Tăng đoàn: Nhiếp thủ ư Tăng. Có giới luật mới có Tăng đoàn.
5.Tinh thần căn bản của giới luật
-Giới luật là dạy thực hành những phép tắc cụ thể về các thiện sự. Lý tưởng tối cao của nhân sinh xã hội là cầu mong những điều thiện lương. Đây là mục tiêu duy nhất của nhân sinh, tức là đạt tới cảnh giới chí thiện viên mãn. Tinh thần căn bản của giới luật chính là điều này.
Từ tinh thần giới luật chia làm giới đại thừa, tiểu thừa; 
Từ nội dung chia làm chỉ trì và tác trì.
Tất cả bao hàm ở trong bài kệ:
Chư ác mạc tác- chỉ trì, chỉ thuộc về tự lợi chưa đủ (tiêu cực)
chúng thiện phụng hành-tác trì, 
Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.
Thụ giới, học giới, hoằng giới luật phải lấy bản thân làm căn bản. Học luật là để luật mình chứ không phải luật người, đây là tinh thần tối thượng của người truyền trì giới luật.
Con người phải đình chỉ ác sự mới có thể làm thiện sự và mới có tâm hướng thiện, mới có thể tiến bước trên con đường giải thoát. 
Kinh Hoa Nghiêm nói: Giới là gốc của vô thượng bồ đề nên phải trì tịnh giới đầy đủ. Nếu trì tịnh giới đầy đủ thì tất cả các đức Như Lai đều khen... giới là thuốc tối thắng chữa bệnh mê hoặc, như cha mẹ che chở khổ nạn cho con cái, như đèn đuốc soi sáng chốn đường mê sinh tử, như thuyền bè vượt qua biển nghiệp vô bờ.
Kinh Di Giáo: Ba la đề mộc xoa là đại sư của các con
Học giới luật phải thấu hiểu bản ý chế giới của đức Phật, phải đạt đến vô ngã. 
Toàn bộ Phật pháp bao gồm lý luận và thực tiễn, nói cách khác là tri hành hợp nhất. Lý luận mà không thực tiễn thì chỉ là lý luận suông trống rỗng; còn thực tiễn mà không lý luận thì thực tiễn ấy chỉ là những hành vi mù. Giới luật của Phật giáo chính là sự biểu hiện cụ thể về tu đạo thực chứng. Giới luật một mặt là công cụ tu đạo chứng đạo. Một mặt nó lại là nhân tố cụ thể hóa chân lý sau khi chứng ngộ. Đây gọi là đạo đức luận Phật giáo. Cho nên tinh thần giới luật Phật giáo là siêu việt pháp luật và đạo đức thế gian đồng thời nó lại là nhân tố thúc đẩy sự tu hành đắc đạo về sự thuần tịnh hóa, pháp luật và đạo đức thế gian. Tinh thần giới luật Phật giáo hoàn toàn không lấy hình phạt làm mục đích, cũng không phải là chủ nghĩa báo thù, càng không phải là chủ nghĩa uy hiếp. Mà giới luật Phật giáo là một loại phương pháp giáo hóa chủ nghĩa. Mục đích của giáo hóa mới là giữ gìn sự thanh tịnh, thiểu dục tri túc, dứt ác tu thiện, dũng mãnh tinh tiến, đoạn diệt phiền não hướng đến giải thoát, chứng đắc Niết- bàn.
Nói tóm lại với ý nghĩa là hảo tâm xuất gia, dời bỏ ngôi nhà nhỏ thế gian để vào ngôi nhà lớn Phật pháp. Đã thệ nguyện tự nguyện để được đứng vào hàng ngũ Tăng đoàn một trong ba ngôi báu thì hãy làm một vị đệ tử Phật chân chính: Thụ trì giới luật Phật, rồi phải học, phải hành trì rộng xa nữa là hoằng truyền giới luật. Đây mới chính là tinh thần thụ giới học luật.

 
 
 
 
 
 

Ngày 12 tháng 04 năm 2015, nhằm ngày 24 tháng 02 năm Ất Mùi, toàn thể Giới tử tiếp tục được lắng nghe thời pháp thoại Giáo giới của Đại đức Thích Trí Như – Ủy viên Ban giáo dục Tăng Ni TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thanh Trì với chủ đề “Các điều kiện thụ Giới, đắc Giới”.
I/ Điều kiện thụ Giới
-Về thế gian pháp: phải được sự đồng ý của cha mẹ và các cấp chính quyền nơi mình sinh ra.
-Về xuất thế gian pháp: được sự đồng ý của Thầy nghiệp sư và Thành hội bởi người xuất gia phải có sự quán sát giữa đời và đạo.
-Người xuất gia phải tu theo, làm theo Thầy bản sư. Với điều kiện 6 căn đầy đủ không được khuyết tật, 13 nạn.
II/ Đắc Giới
Muốn được đắc Giới trước hết Giới tử phải chí tâm, chí thành, chí thiết cầu giới. Người tu phải giữ Giới suốt đời bởi Giới là nền tảng, chân móng cho Định và Tuệ phát sinh.
Đi tu lấy Giới làm đầu
Gắng tâm lấy Giới để soi Đạo tràng
Giới là do cá nhân mọi người giữ. Còn Luật là tăng chúng giữ. 
Ngài Trí Húc Luật Sư nói có 7 trường hợp để Đắc giới đó là:
-Kiến đế đắc giới
-Thiện lai đắc giới
-Tam ngữ đắc giới
-Tam quy (ngũ giới) thụ giới
-Tự thệ thụ giới
-Bát pháp thụ giới
-Bạch tứ Yết Ma đắc pháp

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website cũng xin giới thiệu một số hình ảnh về các Thầy giáo thọ hướng dẫn nghi thức trên Đàn giới cho các Giới tử thực tập:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC